Tết - theo Tây hay giữ ta?

(PLO) - Những ngày cận kề Tết này, cuộc tranh luận giữa việc duy trì Tết Nguyên đán và gộp một lần vào dịp Tết Dương lịch lại nổ ra và không thể ngã ngũ. Ý kiến bỏ Tết Âm lịch đã xuất hiện từ năm 2005 theo đề xuất của một giáo sư... nông nghiệp, sau đó thì vấn đề này chìm đi để đúng 1 con giáp sau, nó được hâm nóng lại và trở nên nóng trên mọi diễn đàn.
Tết - theo Tây hay giữ ta?

Người bảo vệ quan điểm chỉ “ăn Tết” theo Dương lịch đưa ra các quan điểm hiện đại, tiên tiến, văn minh, công nghiệp của Tết Tây, đặc biệt là việc tập trung lao động, làm việc, tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Để thuyết phục, họ đưa ra dẫn chứng Nhật Bản, một nước công nghiệp tiên tiến, thuộc phương Đông, đã bỏ Tết Âm lịch từ lâu.

Những người bảo lưu quan điểm duy trì Tết Âm lịch với một thái độ ôn hòa, không dùng những từ ngữ mạnh mẽ, vùi dập như những người phản đối, nhưng cũng khá quyết liệt. Có lẽ đó là tiếng nói của tâm linh, truyền thống, của văn hóa dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức họ.

Họ không muốn có một cuộc “cách mạng” lật đổ cái Tết mà đối với họ rất thiêng liêng và cũng gần gũi, tình cảm, cái Tết Tây đối với phần đông người Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn rộng lớn hầu như không có nghĩa gì.

Bên ngoài sự tranh luận nóng bỏng của một số người đó, những ngày này, một tâm trạng hào hứng, khẩn trương, phấn chấn đón Tết đang ngự trị ở mỗi con người cũng như thiên nhiên, cảnh vật. “Chạy đà” cho Tết, khởi đầu là ngày cúng ông Công, ông Táo sôi động và tiếp theo đó là sửa sang, trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp sạch sẽ đường phố, thôn làng, tảo mộ,... cho đến bữa tất niên sum họp đêm trừ tịch ấm áp và rồi phút giao thừa thiêng liêng chuyển giao trời đất.

Hơn tất cả, Tết Âm lịch rơi đúng vào lúc khởi đầu mùa xuân, cây cối, vạn vật tốt tươi, hoa lá đua nhau khoe sắc. Chắc chắn rằng, khung cảnh với cái nền thiên nhiên đó Tết Dương lịch không thể nào có được, cho dù có “chuyển” tất cả các nghi lễ của Tết Âm lịch “nhập” vào.

Sự thay đổi để tiến bộ, văn minh là cần thiết, song sự duy trì truyền thống lại là cách giữ gìn bản sắc văn hóa. Lâu nay, vẫn song hành cả hai bộ lịch Âm và Dương mà có ảnh hưởng, cản trở gì nhau đâu, thậm chí, lịch Âm đối với người phương Đông còn được chú ý hơn cả lịch dương trong mọi việc, từ xuất hành đến động thổ, từ cưới hỏi đến dựng nhà, từ tính thời vụ tuần đến gieo trồng, tuần nào, tiết nấy, “sáng mùng một, tối hôm rằm”, có ai vận dụng lịch Dương bao giờ. Đặc biệt, những ngày giáp Tết này, người ta quên hẳn lịch Dương mà chỉ tính ngày theo Âm lịch.

Vì thế, hãy để cho cái Tết Nguyên đán yên ổn như từ trước đến nay vẫn thế, dù nó xuất xứ từ đâu nhưng từ đã lâu thuộc về văn hóa của dân tộc này. Kể cả những người phản đối Tết ta thì họ vẫn lo Tết và vui Tết như mọi người mà! 

Xuân đã đến rất gần cùng với Tết, hãy cùng chung vui với hòa khí ngày xuân!.

Đọc thêm