Ông đánh giá như thế nào về vai trò của xuất khẩu đối với các doanh nghiệp hiện nay?
- Cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế toàn cầu, vươn ra thị trường quốc tế là xu hướng chung của tất cả các quốc gia và các doanh nghiệp. Xuất khẩu là một trong những con đường quen thuộc để các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch mở rộng, phát triển…. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm do mình sản xuất ra.
Nhờ có xuất khẩu mà tên tuổi của doanh nghiệp không chỉ được các khách hàng trong nước biết đến mà còn “nổi tiếng” ở thị trường nước ngoài. Không chỉ có vậy, hoạt động xuất khẩu cũng giúp phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo của các cán bộ làm công tác xuất, nhập khẩu cũng như các đơn vị tham gia, nhằm tìm tòi và phát triển các mặt hàng trong khả năng xuất khẩu tại các thị trường mà doanh nghiệp có khả năng thâm nhập.
Thực tế đó cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn đổi mới và hoàn thiện công tác quản trị kinh doanh. Đồng thời giúp các doanh nghiệp kéo dài tuổi thọ sản phẩm. Từ đó, tất yếu dẫn đến cạnh tranh, theo dõi lẫn nhau giữa các đơn vị tham gia xuất khẩu trong và ngoài nước.
Đây là một trong những nguyên nhân buộc các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phải nâng cao chất lượng hàng hóa, cũng như chú ý hơn nữa trong việc hạ giá thành sản phẩm, từ đó tiết kiệm các yếu tố đầu vào, hay nói cách khác tiết kiệm các nguồn lực.
Theo ông, làm thế nào để khai thác được tối đa tiềm năng mà thị trường xuất khẩu mang lại?
- Theo như quan điểm marketing đương thời thì các nhà kinh doanh phải bán cái mà thị trường cần chứ không phải cái mình có. Vì vậy cần phải nghiên cứu khách hàng trên thị trường thế giới, cũng như nhận biết mặt hàng kinh doanh của công ty.
Trước tiên phải dựa vào nhu cầu tiêu dùng của khách hàng như quy cách, chủng loại, kích cỡ, giá cả, thời vụ, thị hiếu cũng như tập quán của người tiêu dùng từng địa phương, từng lĩnh vực sản xuất. Từ đó xem xét các khía cạnh của hàng hóa trên thị trường thế giới.
Về mặt thương phẩm phải hiểu rõ giá trị hàng hóa, công dụng, các đặc tính lý hóa, quy cách, phẩm chất, mẫu mã bao gói. Để hiểu rõ vấn đề này yêu cầu các nhà kinh doanh phải nhạy bén, có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm để dự đoán biến động trong nhu cầu của khách hàng.
Trong xu thế hiện nay, đòi hỏi việc nghiên cứu phải nắm bắt rõ mặt hàng mình lựa chọn, hoặc kinh doanh đang ở trong thời kỳ nào trong chu kỳ sống của sản phẩm trên thị trường. Bởi lẽ chu kỳ sống của sản phẩm luôn gắn liền với việc tiêu thụ hàng hóa đó trên thị trường.
Thông thường, việc sản xuất gắn liền với xuất khẩu những mặt hàng đang ở giai đoạn thâm nhập, phát triển là có nhiều thuận lợi nhất. Tuy nhiên đối với những sản phẩm đang ở giai đoạn bão hòa hoặc suy thoái mà công ty có các biện pháp xúc tiến có hiệu quả thì vẫn thể tiến hành kinh doanh xuất khẩu và thu được lợi nhuận.
Ông có lời khuyên gì hữu ích dành cho các doanh nghiệp Việt muốn đưa sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài?
- Khi muốn tung ra thị trường một sản phẩm gì đó yếu tố ban đầu là xác định thị trường mục tiêu, có nghĩa là tìm ra một khúc hay một phân đoạn khách hàng tiềm năng mà phục vụ.
Để lựa chọn thị trường mục tiêu, doanh nghiệp cần phải bắt đầu từ thị trường tổng thể (thị trường được xác định với tất cả các khách hàng cùng với nhu cầu của họ trên một khu vực địa lý có quy mô cụ thể nào đó), thu hẹp vào thị trường sản phẩm chung (là thị trường với các loại sản phẩm khác nhau có khả năng thỏa mãn một loại nhu cầu nào đó của khách hàng).
Tiếp theo thu hẹp vào thị trường sản phẩm rồi sử dụng kỹ thuật phân đoạn thị trường để xác định các thị trường thành phần (là các phân đoạn biểu hiện các nhóm khách hàng có nhu cầu đồng nhất). Sau đó lựa chọn các nhóm khách hàng có nhu cầu để xác định thị trường mục tiêu và giải pháp để chinh phục thị trường đó.
Để đạt được kết quả cao trong lĩnh vực này, có thể sử dụng một trong ba cách tiếp cận thị trường trọng điểm đó là: Tiếp cận thị trường trọng điểm đơn giản; Tiếp cận thị trường trọng điểm hỗn tạp; Xây dựng chiến lược tiếp thị hỗn hợp phù hợp.
Ông có thể chia sẻ cách thức mà Công ty Cổ phần Công nghệ Nhật Hải đã áp dụng để đứng vững và vươn xa hơn thị trường nước ngoài?
- Trong ba cách trên, chúng tôi luôn chọn phương pháp tiếp cận thị trường trọng điểm đơn giản.Đó là việc doanh nghiệp chọn một trong số các thị trường thành phần làm thị trường mục tiêu của doanh nghiệp, sau đó xây dựng chiến lược marketing hỗn hợp riêng biệt cho thị trường mục tiêu đã chọn.
Ví dụ: Nhật Bản là nơi có mặt hàng tỏi đen tốt nhất, thì chúng tôi sẽ chọn Nhật Bản làm thị trường kinh doanh tỏi đen. Để chứng minh và khẳng định rằng tỏi đen của chúng tôi cũng là mặt hàng có chất lượng tốt không thua kém gì sản phẩm của quốc gia này.
Trân trọng cám ơn ông!