Đây đều là những cá thể động vật rừng quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam cần ưu tiên bảo vệ, được Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh cứu hộ từ các tổ chức, cá nhân và người dân tự nguyện giao nộp. Sau một thời gian dài chăm sóc, sức khỏe của các động vật hoang dã đã ổn định.
Lực lượng chức năng vận chuyển các cá thể động vật rừng tới Vườn Quốc gia Cát Tiên |
Theo đó, 79 cá thể động vật này thuộc 14 loài. Trong đó có 13 cá thể khỉ đuôi lợn, 11 cá thể khỉ đuôi dài, 2 con diều hâu đen, 1 cá thể cầy họng vàng, 4 con trăn gấm, 4 con trăn đất, 1 cá thể vượn đen má hung, 14 con rùa núi vàng, 9 con rùa răng, 8 con rùa đất lớn, 1 con cú lợn lưng xám, 1 con mèo rừng, 9 con rùa ba gờ, 1 con tê tê Java.
Ông Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết, những năm qua đơn vị thường xuyên tiếp nhận các loài động vật được các tổ chức cứu hộ, đưa tới thả về tự nhiên. Hầu hết các loại động vật được đưa về đây đều sớm thích nghi với môi trường tự nhiên hoang dã.
Thả Rùa núi vàng về với môi trường tự nhiên |
Theo Quyết định số 173/2003/QĐ-TTg ngày 19/8/2003 của Thủ tướng Chính Phủ, diện tích của Vườn Quốc gia Cát Tiên là 70.548,36ha, thuộc 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Năm 2001, nơi đây đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới và là khu sinh quyển thứ 2 của Việt Nam.