Trước đó PLVN đã thông tin, vào ngày 10/10/2020, tàu hàng mang nhãn hiệu JAKARTA treo cờ Đài Loan (Trung Quốc) bị sóng biển đánh dạt vào khu vực bãi Cả (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tàu dài khoảng tầm 70 mét, cao 25m, ngang 30m, trọng tải hàng trăm tấn.
Sau một thời gian, tàu đã bị sóng lớn đánh gãy làm đôi; phần đầu và đuôi tàu cách rời nhau khoảng 25 mét.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP đã thông báo cho đại lý đại diện chủ tàu, Công ty CP Dịch vụ biển Tân Cảng và triển khai 2 tàu với 30 người (tàu Vạn Hoa VH779 của Vùng 3 Hải quân và tàu SOSRCEM 01) của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung.
Khi tới hiện trường kiểm tra bằng trực quan không phát hiện hiện tượng dầu tràn ra ngoài và rò rỉ dầu. Hai tàu đã thả phao quây chống dầu (Phần lõi phao chứa xơ bông chất liệu polypropylene hoàn toàn không thấm nước, chỉ thấm dầu và các sản phẩm gốc dầu –PV) tại khu vực tàu JAKARTA bị mắc cạn. Hiện nay tàu JAKATA vẫn tương đối ổn định không xô dịch.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng (Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Thừa Thiên Huế), khi tàu Jakarta bị mắc cạn, trên tàu có khoảng 300 tấn dầu các loại FO, DO, HFO. Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã làm việc với Công ty CP Asiatrans Việt Nam (Đại lý tàu Jakarta) để có kế hoạch và phương án trục vớt, đảm bảo an toàn và phòng ngừa ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa lớn, bão tiếp tục đổ bộ nên việc xử lý gặp khó.
Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên trong đêm nay và ngày mai, ở Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50- 100mm, có nơi trên 150mm. Tại Thừa Thiên Huế, bão số 9 đã khiến cho ít nhất 4 người bị thương.