Thạc sĩ hụt…phát cuồng vì sát hạch lại đầu vào ngoại ngữ!

Hiện tượng hàng ngàn học viên cao học của 14 trường ĐH được miễn thi ngoại ngữ đầu vào bị Bộ GD&ĐT “tuýt còi” hủy “công nhận trúng tuyển” và rồi “sát hạch” lại đầu vào ngoại ngữ khiến dư luận giật mình bức xúc…

Hiện tượng hàng ngàn học viên cao học của 14 trường ĐH được miễn thi ngoại ngữ đầu vào bị Bộ GD&ĐT “tuýt còi” hủy “công nhận trúng tuyển” và rồi “sát hạch” lại đầu vào ngoại ngữ khiến dư luận giật mình bức xúc…

Yêu cầu  về trình độ  ngoại ngữ cần khác biệt ở từng trường, từng ngành đào tạo chứ không nên chung chung như hiện nay. Ảnh minh họa
Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ cần khác biệt ở từng trường, từng ngành đào tạo chứ không nên chung chung như hiện nay. Ảnh minh họa
Phớt lờ vì… thông tin không rõ ràng?
Trong số này có tên của nhiều trường ĐH lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại thương... Bà Hoàng Thị Lan Phương- Phó Vụ trưởng (Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT) khẳng định, chỉ có 14 trường trên tổng số hơn 130 cơ sở có đào tạo sau ĐH tuyển sinh vào tháng 8-9/2011 vi phạm quy chế chứng tỏ các trường vi phạm đã cố tình phớt lờ những quy định được ban hành từ cấp Bộ nên phải xử lý nghiêm.
14 trường ĐH phải sát hạch lại trình độ ngoại ngữ cho các thạc sĩ gồm: Trường ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Học viện Quân y, ĐH Y Thái Bình, Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Học viện An ninh, ĐH Nha Trang.

Bà Phương cho biết: “Ngày 28/2/2011, Bộ GD&ĐT có Thông tư 10/2011/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, thay cho quy chế 45 ban hành năm 2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2011. Theo đó, đào tạo thạc sĩ phải thi tuyển môn ngoại ngữ, môn cơ bản và môn cơ sở. Không có quy định nào cho miễn thi ngoại ngữ, dù có chứng chỉ gì đi nữa. Thế nhưng nhiều trường vẫn cho miễn thi là sai”.

Và, đại diện một số trường lại viện dẫn, quy chế Bộ đưa ra còn nhiều thông tin không rõ ràng, có thể dẫn đến hiểu lầm. “Trong khi quy định cũ ghi chú rõ ràng đối tượng được miễn thi ngoại ngữ thì văn bản mới muốn phủ quyết quy định này nên giải thích rõ không ai được miễn thi nữa, nhưng Thông tư không có dòng nào nói về điều này. Ngay cả trong phần hướng dẫn thực hiện cũng không ghi chú chút nào về điều kiện ngoại ngữ”, một cán bộ phụ trách đào tạo trường ĐH phía Nam giãi bày. 
Theo GS Hoàng Văn Châu (Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội), Thông tư xác định: “Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển” nên lãnh đạo nhiều trường đã nghĩ có thể quyết định miễn thi với những người có trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu của văn bằng quốc tế hay học ĐH tại nước ngoài về”.
PGS TS Nguyễn Văn Sĩ -Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học, ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết: “Chúng tôi vận dụng Quy chế 45 để thông báo tuyển sinh. Đến nay thì đã sai nên hướng giải trình với Bộ GD&ĐT là đề nghị công nhận những học viên được miễn thi. Năm nay chúng tôi cam kết thực hiện theo Thông tư mới ban hành”.
Song, PGS. TS Nguyễn Văn Sĩ cũng cho rằng: “Học ở nước ngoài hay có chứng chỉ ngoại ngữ của trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc tế có thẩm quyền cấp như TOEFL, IELTS, TOEIC… mà không được miễn thi thì vô lý quá. Những người này có trình độ quá tốt về ngoại ngữ rồi tại sao Thông tư lại không cho miễn thi, trong khi quy chế trước đây thì cho?”.
Và mặc dù khi quyết định này được đưa ra, đa số các trường đã hứa sẽ thực hiện nghiêm túc việc thi đầu vào ngoại ngữ đối với tất cả các học viên cao học nhưng vẫn có trường đề xuất Bộ nên tiếp tục miễn thi ngoại ngữ cho người đạt trình độ nhất định về văn bằng ngoại ngữ với lý do quy chế tuyển sinh tiến sĩ cũng chỉ yêu cầu trình độ ngoại ngữ như vậy nên đào tạo thạc sĩ cũng không cần phải thi ngoại ngữ với những người đã có trình độ nhất định.
Đã giỏi, sao phải sợ thi?
Bà Hoàng Thị Lan Phương khẳng định không phải tự nhiên mà Bộ đưa ra những quyết định “rắn” như vậy. “Ngay tại đợt thi cao học tháng 8 và 9/2011, bộ đã phát hiện một số trường hợp định “vượt rào” và điều chỉnh ngay. Có trường phải lùi thời gian thi để yêu cầu đối tượng miễn thi trước đó phải thi cùng đợt với tất cả người dự tuyển.
Thậm chí Trường ĐH Kinh tế quốc dân dù Bộ đã có nhắc nhở ngay khi phát hiện, yêu cầu tổ chức thi lại, nhưng trường này không thực thi nên buộc bộ phải gửi yêu cầu hủy kết quả, tiến đến xử phạt cả người chịu trách nhiệm”.
Mới đây, công văn do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký nêu rõ: Để đảm bảo việc tuân thủ các quy định của Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, yêu cầu các cơ cở rà soát và tổ chức kiểm tra, đánh giá trình độ của các thí sinh đã được miễn thi môn ngoại ngữ trong kì thi nêu trên. Kết quả và các tài liệu liên quan phải gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 15/4 năm 2012 để xem xét giải quyết. 
Có thể nói, thực trạng phức tạp về các văn bằng ngoại, chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động. Có nhiều trường “dỏm”- những xưởng bán bằng cấp - ở nước ngoài qua nhiều hình thức liên kết đào tạo, đào tạo online… đã đưa vào Việt Nam hàng ngàn bằng “dỏm” từ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Nhiều người có bằng tiến sĩ ngoại mà không hề biết ngoại ngữ. Với những văn bằng, chứng chỉ Anh văn do các tổ chức quốc tế cấp như TOEFL, TOEIC, việc chạy chọt, mua - bán bằng giả ở Việt Nam cũng không quá khó. Vậy nên việc bộ siết lại quy định này là hoàn toàn có cơ sở.
Được biết, tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có khoảng 300 thí sinh được miễn ngoại ngữ trong tổng số 1.500 chỉ tiêu cao học; ĐH Quốc gia Hà Nội có hơn 600 thí sinh được miễn thi ngoại ngữ trúng tuyển... Đó cũng chính là lý do khiến nhiều trường khẳng định “không thể hủy”, cũng “không thể tổ chức thi lại” đối với số lượng thí sinh đã có giấy trúng tuyển, đã nhập học và đã theo học.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, “quy định trong toàn quốc thì phải thống nhất chứ sao lại có trường xé rào? Đây là chuyện kỳ cục. Nếu học ở nước ngoài, có chứng chỉ quốc tế thì đã giỏi ngoại ngữ, sao lại sợ thi?”

Hiện nay, môn ngoại ngữ trong các môn thi đầu vào cao học căn cứ vào yêu cầu của chương trình đào tạo và yêu cầu về trình độ ngoại ngữ trước khi cấp bằng tốt nghiệp được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 28 của Thông tư 10/2011/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ. Theo đó, Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định môn ngoại ngữ trong tuyển sinh và trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển theo từng ngành hoặc chuyên ngành đào tạo.

Thế nhưng, trên thực tế, yêu cầu trình độ ngoại ngữ cho học viên cao học không chỉ để trang trí làm sang mà là một chuẩn về kiến thức, kỹ năng để học viên có thể tự nghiên cứu, tham khảo tài liệu… Vì thế, thiết nghĩ yêu cầu này không thể chung chung mà cần khác biệt ở từng trường, từng ngành đào tạo.

Uyên Na

Đọc thêm