Các tổ chức tài chính, nhà mạng và nền tảng mạng xã hội không tuân thủ các quy định trong sắc lệnh sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 500.000 baht (khoảng 385 triệu VNĐ). Đối với các cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp, hình phạt có thể lên tới 1 năm tù giam cùng phạt tiền 100.000 baht (khoảng 77 triệu VNĐ).
Theo nội dung sắc lệnh, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp có liên quan buộc phải cung cấp thông tin về các tài khoản và giao dịch bị nghi ngờ có liên quan đến hoạt động lừa đảo. Đồng thời, họ có trách nhiệm phong tỏa ngay lập tức các tài khoản và giao dịch đáng ngờ khi được yêu cầu.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và di động phải có biện pháp sàng lọc và chặn các tin nhắn rác có nội dung lừa đảo. Văn phòng Ủy ban Phát thanh và Viễn thông Quốc gia Thái Lan (NBTC) cũng có nhiệm vụ đình chỉ các dịch vụ viễn thông có liên quan đến hành vi lừa đảo.
Một điểm đáng chú ý khác là các bên thu thập, tiết lộ hoặc sử dụng dữ liệu của người đã qua đời, có thể tiếp tay cho lừa đảo, cũng có thể bị xử phạt ở cùng mức tương tự.
Bên cạnh sắc lệnh chống lừa đảo, Thái Lan cũng đã sửa đổi sắc lệnh liên quan đến kinh doanh tài sản số. Theo đó, các sàn giao dịch tài sản số đặt trụ sở tại nước ngoài bắt buộc phải xin giấy phép hoạt động tại Thái Lan trước khi cung cấp dịch vụ cho người dùng trong nước.
Theo Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số Thái Lan, ông Prasert Jantararuangtong, luật mới được thiết lập nhằm bảo vệ người dân khỏi việc bị lừa mất tài sản thông qua các cuộc gọi và giao dịch điện tử. Đây được xem là nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ Thái Lan trong bối cảnh tình trạng lừa đảo trực tuyến đang ngày càng gia tăng và gây thiệt hại lớn cho người dân.