Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubumrung nói biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ hôm ngày 22/1 và sẽ kéo dài trong 60 ngày.
Nghị định khẩn cấp cho phép an ninh lục soát, bắt giữ, tạm giam công dân.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp theo sau các vụ tấn công ở các địa điểm biểu tình, mà cả chính phủ và phe biểu tình đổ lỗi cho nhau.
Hôm 19/1, 28 người đã bị thương khi có kẻ ném 2 quả lựu đạn tại một địa điểm biểu tình.
Trước đó, một vụ tấn công bằng lựu đạn đã giết chết một người đàn ông.
Theo thống kê, từ khi xảy ra các cuộc biểu tình đầu tháng 11 năm ngoái, 9 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương vì bạo lực.
Lần cuối tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Bangkok là năm 2010. Khi đó, nhiều người thiệt mạng trong cuộc đàn áp của quân đội.
Thủ tướng Thái Lan tại thời điểm đó là ông Abhisit Vejjajiva, nay là lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập.
Theo ông Pavin Chachavalpongpun thuộc Đại học Kyoto của Nhật Bản, không rõ những người chống đối có tuân theo luật mới hay không.
“Nếu họ muốn kích động bạo lực để tạo điều kiện cho quân đội can thiệp, thì họ sẽ có thể tiến tới và bất tuân quy định khẩn cấp”, ông Chachavalpongpun nói.