Theo UPI, các nhà nghiên cứu đã cho những con chuột mang thai một chế độ ăn nhiều chất béo, kết quả dẫn đến những thay đổi di truyền ở chuột làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú trong vòng 3 thế hệ.
Bà Leena Hilakivi-Clarke, giáo sư ung thư học tại Trung tâm Ung thư Toàn diện Georgetown Lombardi (Mỹ), cho biết: "Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ mang thai tiêu thụ nhiều chất béo hơn phụ nữ không mang thai và sự gia tăng này diễn ra giữa 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ”.
Theo bà Hilakivi-Clarke, chuột thí nghiệm đã nhận 40% năng lượng từ chất béo, và những con chuột đối chứng có chế độ ăn uống thông thường với 18% năng lượng từ chất béo. Chế độ ăn uống điển hình của con người hiện nay khoảng 33% chất béo.
Nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn nhiều chất béo trước và trong khi mang thai làm tăng nguy cơ ung thư vú ở các thế hệ sau.
Nghiên cứu được công bố ngày 3/7 trên tạp chí Nghiên cứu Ung thư Vú.