Cũng cách đây vài ngày “Tư lệnh” ngành Giáo dục đã nhận khuyết điểm về những gian lận thi cử năm 2018. Đặt 2 “câu chuyện” diễn ra cùng thời điểm cho thấy lo lắng không phải không có cơ sở.
Có lẽ, ngôn ngữ tiếng Việt, dù phong phú nhưng đã đến hồi “bất lực”. Nếu như trước đây chỉ có các mức phân loại học sinh “giỏi”, “khá”, “trung bình”, “yếu”… thì nay do giỏi “tràn lan” nên “giỏi” cũng có các thứ hạng: “giỏi xuất sắc” và “giỏi”…
Một năm học đã khép lại. Phụ huynh mừng vì con em mình “giỏi”, thầy cô giáo chủ nhiệm phấn khởi vì học sinh “giỏi” của mình liên quan đến “thi đua” của cá nhân mình, của trường: ít nhất là lên lương, trường điểm…
Khen đúng, có tác dụng động viên, khích lệ, tạo ra giá trị lan tỏa.
Khen không đúng thực chất, nhà trường và thầy cô đang tiếp tay cho sự giả dối. Khen không đúng thực chất, học sinh ngộ nhận về mình, đây là hệ quả đáng lo ngại nhất. Thế giới ảo không chỉ tồn tại trên mạng xã hội, thế giới ảo đang hiện hành ngay trong trường học, nơi được xã hội tin tưởng giao cho trọng trách thiêng liêng “Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Khen không đúng thực chất, nhà trường đang triệt tiêu động lực sống của các em, bởi thực tế có học sinh kém mà cũng được khen, được xếp vào hàng học sinh giỏi của lớp thì các cháu sẽ nảy sinh lối sống ích kỉ, chây lười, thụ động, chẳng cần phải nỗ lực học tập và rèn luyện. Thói xu nịnh, chuộng danh hão cũng từ đó mà ra.
Chẳng rõ các vị lãnh đạo ngành Giáo dục từ Trung ương đến địa phương và các trường học khi tham dự những buổi lễ tổng kết cuối năm, nghe những lời có cánh trong báo cáo tổng kết và chứng kiến cảnh học sinh hầu hết đều được tặng giấy khen và phần thưởng, tâm trạng các vị hân hoan theo từng tràng pháo tay rầm rộ?
Ai sẽ đưa ra được tiêu chuẩn “giỏi”, “khá”.. thực chất, về lại… ngày xưa? Điều này đòi hỏi thái độ trung thực của các nhà quản lý. Bởi vì, hơn ai hết, các vị là người quyết định sự thành bại của giáo dục. Không một thầy cô nào dám làm điều trái với ý đồ của người lãnh đạo.
Không riêng lĩnh vực giáo dục đâu. Ngay khen trong tổ chức bộ máy nhà nước cũng đang hết sức đáng lo ngại. Người viết bài này có người bạn vừa về hưu. Hỏi anh “sao không đưa các bằng khen, giấy khen, thậm chí bằng chứng nhận chiến sỹ thi đua ngành về nhà”, anh cười: “Thi đua chỉ có ý nghĩa để lên lương trước niên hạn”.
Câu chuyện cho thấy, có thể cuộc sống đã trở nên thực dụng hơn, không còn ai treo bằng khen, giấy chứng nhận nọ kia trong nhà, nhưng chắc chắn rằng, không ai còn tự hào vì mình được khen, khi khen trở thành “phổ cập”. Điều gì thừa thãi sẽ “bội thực”. Không nghi ngờ gì nữa, khen không đúng đã và đang thành “thảm họa”.