Thăm “người mẹ của trăm con”

Có trẻ bị nhiễm HIV, có em bị khuyết tật, trường hợp khác bại não... nhưng tất cả các em đều có điểm chung là không biết mặt mẹ từ lúc lọt lòng và giờ đây may mắn được cùng sống dưới một mái nhà ấm áp yêu thương.

Có trẻ bị nhiễm HIV, có em bị khuyết tật, trường hợp khác bại não... nhưng tất cả các em đều có điểm chung là không biết mặt mẹ từ lúc lọt lòng và giờ đây may mắn được cùng sống dưới một mái nhà ấm áp yêu thương.

Những mảnh đời bất hạnh

Chúng tôi đến thăm chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) trong một buổi chiều mát mẻ hiếm hoi của mùa hè oi bức. Đang quây quần bên các cháu nhỏ, sư thầy Thích Đàm Lan bất chợt đón tiếp hai vị khách đặc biệt: Một bà cụ và một hài nhi nằm ngoan ngoãn trong chiếc làn.

Theo lời bà cụ, bà được một cô gái nhờ bế hộ đứa bé để cô ta đi vệ sinh. Chờ mãi không thấy cô gái quay lại, bà cụ kiểm tra và phát hiện trong người cháu bé có một bức thư tay viết sẵn. Đọc xong, bà lập tức đưa cháu bé đến địa chỉ được ghi rõ trong lá thư này.

Yên bình dưới mái chùa.

Bế cháu bé trên tay, sư thầy Đàm Lan thở dài thương cảm bởi theo quan sát của thầy, rất có thể cháu bé đã bị bệnh bại não vì trong chùa hiện cũng có ba em nhỏ đang mắc bệnh này. Tiếng trẻ khóc thét phá tan không khí tĩnh mịch nơi cửa chùa, báo hiệu nơi đây đón nhận thành viên thứ 121 của “đại gia đình”.

Ngược dòng thời gian về năm 2008. Trong một trận mưa rào xối xả bất chợt, người nhà chùa chạy ra đóng cổng đã ngạc nhiên khi thấy một cháu bé đang bò lăn lóc trước cửa Phật. Ngay lập tức, cháu bé được đem vào chùa để lau người, thay quần áo, sưởi ấm. Nhưng càng lúc, sức khỏe của cháu bé càng suy kiệt. Đem cháu bé đến bệnh viện, nhà chùa được các bác sĩ thông báo: Bệnh nhi này bị sốt, viêm phổi nặng và bị bệnh bại não bẩm sinh.

Sau 15 ngày điều trị, sức khỏe của cháu bé mới dần hồi phục và các sư thầy lại đem hài nhi bé bỏng này quay về chùa, tiếp tục chăm sóc. Ngày ấy, cháu Cù Tùng Anh không biết khóc, thậm chí khi bị bấu đau. Nhưng bây giờ, cháu bé đã mạnh khỏe, nô đùa với những người thân thiết xung quanh.

Hay một dịp khác, vào ngày rằm tháng 11/2008 (âm lịch), nhà chùa tiếp tục phát hiện một chiếc làn để ở cổng chùa. Trong chiếc làn đó có hoa quả và... một cháu bé đỏ hỏn cùng quần áo, tã lót! Sinh linh này mới tròn 9 ngày tuổi, phần rốn bị nhiễm trùng nặng. Trải qua 15 tháng điều trị liên tục tại bệnh viện, cháu Kiều Quỳnh Anh được đưa về chùa nuôi dưỡng tới nay...

Kể về một vài kỷ niệm với các hài nhi bị phụ mẫu bỏ rơi, sư thầy Đàm Lan chia sẻ: “Nhà Phật luôn quan niệm phải sống tốt đời đẹp đạo. Vì thế mà để cứu người, chúng tôi không bao giờ từ chối bất kỳ trường hợp nào. Mong cho các cháu khỏe mạnh và sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội”.
 
Người mẹ của trăm con

Sư Thích Đàm Lan còn được người đời gọi là “người mẹ của trăm con”. Vị trụ trì chùa Bồ Đề cho biết, bà đón nhận và nuôi dưỡng “đứa con” đầu tiên cách đây gần 20 năm. Ngày đó, một người xa lạ bất chợt mang đến cho Sư một đứa trẻ sơ sinh, rốn chưa rụng, da nốt tím tái vì bị bỏ rơi giữa đêm ngoài đường.

 Đàn con bên “mẹ” Thích Đàm Lan.

Vậy là Sư cùng nhà chùa đã chắt chiu từng đồng, đưa đứa trẻ đi cấp cứu. Đứa trẻ đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần trong gang tấc, dần lớn lên khỏe mạnh trong bàn tay và tình yêu thương của sư thầy. Duyên nghiệp “mẹ trăm con” của sư thầy cũng chính thức bắt đầu.

Đến nay, theo “biên chế” chính thức thì chùa Bồ Đề đang nuôi dưỡng, cưu mang 120 cháu bé mồ côi, 30 ông bà già cô đơn, không nơi nương tựa, 29 cô gái cơ nhỡ. Trong số 120 trẻ mồ côi, có đến 60 trẻ sơ sinh, 16 em trong độ tuổi 3-5, 40 em đang học từ lớp 1 đến lớp 12...

Để có thể gánh vác được đại đại gia đình này, trước hết, nhà chùa quản lý và nuôi dạy trẻ bằng cách chia các  em theo nhóm “gia đình”. 120 trẻ mồ côi được chia đều cho 29 cô gái cơ nhỡ, mỗi “mẹ” nhận chăm sóc 4 đứa trẻ. Mỗi tháng, nhà chùa vừa nuôi ăn, vừa trả lương cho 29 “bà mẹ” này mỗi người 1 triệu đồng. “Mẹ” nào chăm sóc những đứa trẻ không bình thường thì được trả 1,5-2 triệu đồng mỗi tháng.

“Trời sinh voi, trời sinh cỏ. Tuy khó khăn là thế nhưng tôi và sư sãi trong chùa luôn cố gắng chăm lo cho các cháu bằng nhiều cách. Một mặt chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm công đức, mặt khác quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu tiết kiệm, tận dụng từ các tờ giấy vụn, những vật dụng hỏng để bán đồng nát, lấy tiền nuôi các cháu.

Dù khó khăn thế nào chúng tôi cũng không để bất kỳ cháu nhỏ nào, không để các cụ già phải đói khát, phải khổ sở vì ốm đau” - sư thầy Thích Đàm Lan tâm sự.

Những tấm lòng vàng

Từ nhiều năm nay, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm chung tay giúp đỡ chùa Bồ Đề trong việc nuôi dạy các cháu. Trong đó, từ năm 2006, SJ Việt Nam - một tổ chức liên kết, trao đổi tình nguyện viên giữa các quốc gia trên thế giới đã xây dựng một ngôi nhà trẻ tại chùa, chuyên chăm sóc, trông nom các cháu nhỏ trong độ tuổi 3-5.

Tất cả các ngày trong tuần, SJ Việt Nam cử một nhóm 6 tình nguyện viên luân phiên nhau đến chùa làm việc từ 8h sáng đến 15h chiều để hỗ trợ nhà chùa trong việc nuôi dạy các em nhỏ.

Gặp phóng viên tại chùa Bồ Đề, một nhà hảo tâm là bác Trần Thị Thoa (63 tuổi) tâm sự: “Nhà tôi ở đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Năm 2008, tôi nghe nói ở bên chùa Bồ Đề có nhận cưu mang nhiều trẻ em mồ côi. Thế là tôi quyết định xin sang đây ở và chăm sóc cho các cháu. Ban đầu gia đình tôi phản đối kịch liệt, nhưng sau thấy tôi làm những việc tích đức, dần dần con cháu cũng đồng ý. Hàng tuần gia đình vẫn sang thăm tôi hay có giỗ chạp thì tôi tranh thủ về nhà. Sống ở đây quen rồi, thiếu bàn tay của mình thì các cháu lại khổ, “các con” quí tôi lắm, cứ quấn lấy suốt ngày”.

Một nhà hảo tâm khác là cô Lại Thị Hồng Sen (ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), dù cô có hoàn cảnh rất éo le. Cô Sen chia sẻ: “Cách đây 5 năm, tôi bị tai nạn xe máy, bàn chân bị dập, đứt gân, phải nằm liệt ở nhà mất mấy năm. Sau đó tôi ly hôn rồi lang thang ra đây và tìm đến chùa Bồ Đề để nương tựa. Hiện tại tôi chăm sóc ba con: một bị bại não, một bị mất bàn chân và một bị hen.

Tôi cũng là người kém may mắn nên hiểu được sự thiệt thòi của các con. Sức khỏe của tôi bây giờ chỉ được loại 3, mỗi lần cho các con đi bệnh viện, tôi lại phải uống thuốc thì mới có thể đi lại được”.

Chúng tôi ra về khi trời đã xế chiều, ngọn lửa trong nhà bếp lại rục rịch lóe lên, chuẩn bị cho các em một bữa cơm no ấm. Mong rằng trong khó khăn, vất vả, các em nhỏ sẽ mạnh mẽ vươn lên vì một tương lai tươi sáng, tốt đẹp phía trước.

Bất chợt, một em nhỏ ngước nhìn sư thầy Đàm Lan và hỏi một câu xé lòng người lớn: “Sao mẹ con lại bỏ con hả mẹ?”. “Mẹ” Thích Đàm Lan từ bi ôm cháu bé vào lòng như để truyền cho con trẻ những bài học đầu tiên về giá trị của tình yêu thương, của tình người...

Vũ Quang Cảnh

Đọc thêm