Ông Benjamin Tan, phó giám đốc điều hành của giải đấu bóng đá Thái Lan ở Singapore, huỵch toẹt: “Làm sao mà chúng tôi có thể ngừng việc chiêu mộ các chân sút tốt nhất về chơi cho đơn vị mình được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng quan tâm kỹ tới từng loại cầu thủ, giấy tờ tùy thân mà họ có, trước khi ký hợp đồng chính thức cho họ gia nhập vào một câu lạc bộ, hoặc đang ký họ cho giải đấu của chúng tôi.
Nếu đội bóng nào đó đã thắng trong nửa mùa giải, và đột nhiên quý vị phát hiện ra họ sử dụng ngoại binh có giấy tờ được chứng minh là giả, thì đồng nghĩa hành vi đó không chỉ gây tai tiếng tín nhiệm cho câu lạc bộ mà còn cho cả giải đấu. Thực sự chúng ta phải đặt nền móng giải đấu tốt nhất ở khắp Đông Nam Á”.
Lộ diện các kỹ nghệ làm giả giấy tờ
Trong khi nhiều câu hỏi mà phía AFC còn tỏ ra không sẵn sàng hồi đáp trong các giai đoạn đầu tiên của “dịch hộ chiếu”, cũng có một sự thật rằng không giống như cảnh sát, các giới chức bóng đá bị hạn chế quyền lực khi sử dụng ngoại binh, dẫn lời ông Carl Ungerer, một chuyên gia về an ninh quốc tế từ Trung tâm chính sách an ninh Geneve (GCSP) ở Thụy Sỹ.
Ông Carl Ungerer phân tích: “Gần như không thể xác định tính xác thực của các hợp đồng giao dịch, hay sự hợp pháp của một loại giấy tờ. Chắc chắn có một số kênh cung cấp bí mật mà họ có thể quyết định loại giấy tờ nào là giả hay thật. Song đó hẳn là một quá trình dài và rất nhiêu khê”.
Thay mặt cho AFC, ông Benjamin Tan nhấn mạnh: “Tôi tin rằng AFC giờ đây đang tỏ ra rất thận trọng… Khi những điều này xảy ra (như vụ bê bối ở Đông Timor), nó cho thấy rằng đang có một tiếng gọi tốt lành đối với các liên minh”. Ông Carl Ungerer nói rằng có 2 cách mà các ngoại binh có thể có được giấy tờ tùy thân giả: thông qua tham nhũng hay làm giả mạo.
Nếu mà về tham nhũng, thì thứ nhất là thông qua một số quan chức biến chất, một ai đó trong hàng ngũ chính phủ hay bộ máy quan liêu, những quan chức này có thể tiếp cận và đủ sức tạo ra giấy tờ giả. Theo ông Benjamin Tan: “Cuối cùng tính xác thực trong danh tính một cá nhân lại phụ thuộc vào chính các câu lạc bộ”.
Để minh họa cho lời nói của mình, ông Benjamin Tan giải thích: “Thỉnh thoảng ngay trong một số giải đấu uy tín thế giới, đôi khi vẫn có những nhập nhèm thông qua các kẽ hở, và phút cuối các câu lạc bộ lại trưng ra những cầu thủ không đủ tư cách vì lý do này hay lý do khác. Do đó các câu lạc bộ cần phải kiểm tra và tự chịu trách nhiệm.
Nếu một cầu thủ chơi trong một trận đấu và quý vị phát hiện ra anh ta từng bị nhận thẻ vàng, hay không đủ tư cách, thì trách nhiệm của câu lạc bộ là phải kiểm tra tính hợp lệ của cầu thủ của họ”.
Trong trường hợp của Đông Timor, cuộc điều tra đã nhận được tín hiệu lạc quan khi một nhân viên đại sứ quán Đông Timor thừa nhận rằng có ít nhất 9 hộ chiếu cầu thủ là “vô giá trị”. AFC cũng đang gia tăng sự hoài nghi đối với giấy tờ tùy thân của hơn chục ngoại binh người Timor gốc Brazil.
Trụ sở của Liên đoàn bóng đá Đông Timor ở thủ đô Dili. |
Còn có một vấn đề khác trong việc đánh giá giấy tờ tùy thân, và có lẽ làm dấy lên sự lo ngại: Các mạng lưới tội phạm và khủng bố đặc biệt chuyên về kỹ nghệ làm giả danh tính. Ông Carl Ungerer giải thích: “Chúng ta hãy quay lại vụ những kẻ tấn công trong sự kiện 11/9, phần đông trong số những kẻ khủng bố này đều dùng giấy tờ tùy thân giả.
Một số quốc gia dễ dãi đã vô tình tạo điều kiện làm giả giấy tờ như Thái Lan, Malaysia và Philippines. Nếu các giải đấu bóng đá cũng nằm trong các mạng lưới tội phạm này thì đồng nghĩa người có trách nhiệm đang bơi trong cùng cái biển có các mạng lưới khủng bố và thật sự rất nguy hiểm.
Âm mưu tống tiền cầu thủ
Xét về lý thuyết, việc này có thể xảy ra với bất kỳ cầu thủ nào, các câu lạc bộ hay các liên đoàn bóng đá khi gian lận hộ chiếu nằm trong các mạng lưới tội phạm, khiến các cầu thủ dễ thành nạn nhân của nạn tống tiền.
Theo một nguồn tin của AFC, giá của một tấm hộ chiếu giả nằm trong khoảng 5.000 USD đến 10.000 USD, là mức giá trung bình mà nhiều cầu thủ có thể trang trải được. Đã có một cảnh báo lo ngại rằng bọn khủng bố đang bắt đầu sử dụng hộ chiếu giả trong các chiến dịch tài chính của chúng.
Ông Laurent Vidal, một giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu về đạo đức và thể thao tích hợp Sorbonne-ICSS, đã phát biểu trên hãng tin The New Paper của Singapore hồi tháng 11/2016 rằng: “Các phần tử khủng bố đang sử dụng thể thao như một kênh tài chính để thu tiền. Ngày hôm nay, kiếm ăn từ bóng đá ngon lành hơn so với buôn bán ma túy. Nếu không chặn đứng việc này, e là hiểm họa càng đáng lo”.
Trong một email, phát ngôn viên của AFC, nói rằng: “Chúng tôi không có bất kỳ điều gì cụ thể để nói về yêu cầu lấy giấy tờ giả thông qua các nghiệp đoàn tội phạm”. Người phát ngôn của AFC cũng nói thêm rằng các câu lạc bộ phải nộp nhiều loại giấy tờ để chứng minh tư cách công dân của bất kỳ cầu thủ nào có tham gia theo luật “cộng 1”, tuy nhiên vẫn chưa thấm tháp gì.
Ông Mike Pride, một điều tra viên về gian lận thể thao, người trước đây có làm việc cho FIFA, cảnh báo: “Chờ cho đến khi chưa có đủ trách nhiệm trong việc tiến hành giám sát ở mọi cấp độ bóng đá, thì dạng thức thao túng này vẫn còn có đất sống”. Tại một khu vực như Đông Nam Á, nơi đang chật vật tìm kiếm sự tín nhiệm của các giải đấu nội địa trong hàng thập kỷ, thì vấn đề chiêu mộ ngoại binh vẫn là chuyện muôn thủa.
Ông Benjamin Tan kết luận: “Đây không chỉ là vấn đề hộ chiếu giả, mà còn là các vấn đề liên quan như tiêu chuẩn trọng tài, ảnh hưởng đến sự tín nhiệm... Đây chính là thứ khiến người hâm mộ ngao ngán đến sân bóng”./.