Những số liệu về chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2014 (PAPI 2014) vừa được công bố tiếp tục cho thấy phòng, chống tham nhũng vẫn phải là ưu tiên hàng đầu trong những nỗ lực phát triển.
“Chủ nghĩa vị thân” chi phối quan hệ xã hội
Biểu hiện đáng lo ngại là công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công vẫn còn là mục tiêu khó đạt dù dã tiến hành cải cách khu vực này. Năm 2014, theo đánh giá của người dân về tầm quan trọng của việc thân/quen người có chức, có quyền khi xin việc vào 5 vị trí cấp xã/phường (công chức địa chính, tư pháp, công an, giáo viên tiểu học công lập và nhân viên văn phòng UBND), “chủ nghĩa vị thân” còn rất phổ biến ở tất cả các tỉnh/TP và dường như đã thành vấn đề phổ biến trong hệ thống nhà nước, thậm chí ở cấp chính quyền thấp nhất, là một phần rất quan trọng đối với những người mong muốn theo đuổi sự nghiệp trong khu vực này.
Trong 5 thành phố (TP) trực thuộc trung ương, tuyển dụng công chức, viên chức ở TP.HCM và Đà Nẵng có xu hướng minh bạch hơn so với Hà Nội, Hải Phòng và Cần Thơ – 3 TP thuộc về nhóm 15 tỉnh đạt điểm thấp nhất ở các tiêu chí này. Ở Thái Nguyên chỉ có 12% số người được hỏi thừa nhận không cần phải đưa “lót tay” mới xin được việc làm trong khu vực công. Nhưng ở Hà Giang thì không có vị trí nào trong 5 vị trí trong chính quyền và dịch vụ công ở cơ sở là không cần đến quan hệ cá nhân.
So với kết quả khảo sát năm 2013, số người dân đồng ý với nhận định “cán bộ chính quyền không dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng”, “không phải chi thêm tiền để được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, “không chi thêm tiền để nhận được giấy phép xây dựng” có xu hướng giảm đi. Các tỉnh, thành phía Nam và miền Trung vẫn là những nơi được người dân cho là các hiện tượng tham nhũng nêu trên ít xảy ra hơn.
Song phổ biến là hiện tượng người dân phải chi thêm ngoài qui định khi sử dụng dịch vụ giáo dục công lập, dịch vụ bệnh viện tuyến huyện. Giải quyết vấn đề hối lộ ở các trường tiểu học vẫn còn là thách thức lớn đối với các tỉnh, thành. Ở khoảng 30 tỉnh, TP, tỷ lệ người trả lời cho biết không có hiện tượng “bồi dưỡng” ngoài qui định cho giáo viên trường tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn, dao động từ 12,38 - 36,5%.
Minh họa nguồn internet. |
Dân vẫn “nản” không tố cáo tham nhũng
Tỷ lệ người được hỏi đánh giá chính quyền cấp tỉnh nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện ở địa phương là 38,7%, tăng so với năm 2011 (34%), tương đương năm 2013. Tuy nhiên vẫn còn 1/4 người được hỏi cho rằng chính quyền chưa nghiêm túc trong việc này và 2/3 người được hỏi không biết có nghiêm túc hay không.
Vì thế, vẫn có đến 56% người được hỏi không tố cáo tham nhũng vì cho rằng tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì. Kể từ năm 2011, chính quyền cấp tỉnh miền Trung và phía Nam được người dân đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng cao hơn so với các tỉnh phía Bắc. Nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh năm 2014 chưa đem lại hiệu quả, thậm chí có phần hạn chế hơn so với 3 năm trước.
Vì vậy, tại buổi họp báo về công tác thanh tra quý I/2015, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng đánh giá, nhận định của PAPI 2014 rằng “tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng” là phù hợp với đánh giá nhận định các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Do đó, trong năm 2015, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Hiến pháp mới và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, trong lần tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham những tới đây, các cơ quan chức năng sẽ rà soát lại hệ thống các biện pháp phòng ngừa, các thiết chế phát hiện, các chế tài xử lý tham nhũng. “Bắt đầu từ việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Thanh tra Chính phủ đang tích cực phối hợp với Ban soạn thảo bổ sung các chế định mới làm nền tảng cho việc hình thành Luật Phòng, chống tham nhũng sau này” – ông Lượng cho biết.