Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị đã nêu rõ thực trạng một bộ phận không nhỏ trong bộ máy công quyền ở tất cả các lĩnh vực và địa phương có tình trạng “tham nhũng” vặt. Thậm chí, theo ông, nhận tiền rồi nhưng vẫn không làm, bôi trơn rồi vẫn không trơn, lý do là tiền chưa đủ trơn hoặc biết là sai quy định nên không làm (nhưng tiền cứ nhận). Ông kêu gọi toàn dân chống lại nạn “tham nhũng vặt” này.
Bộ Công an cũng tỏ rõ quyết tâm và hành động thực tế trong cuộc chiến chống “tham nhũng vặt” như xử lý nghiêm minh, công khai danh tính cán bộ nhận hối lộ và cả người đưa hối lộ,... Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, báo chí phát hiện tại Quảng Xương (Thanh Hóa), Công an đi lấy dữ liệu dân số bắt dân đóng tiền hoặc làm lại hộ khẩu thu 50.000 đồng, những người có trách nhiệm ở đây cho rằng những cái đó đều là trái quy định, tham nhưng không nhũng, chỉ là bồi dưỡng đi lại, quả là rất vặt vãnh.
Hội nghị điểm mặt những ngành “nhạy cảm” dễ xảy ra vòi vĩnh, gây phiền hà để “tham nhũng vặt” như thuế vụ, hải quan, CSGT, cấp hộ chiếu phổ thông, quản lý thị trường, đất đai,... để có biện pháp siết chặt quản lý, phòng ngừa có hiệu quả. Cũng cần có một điểm nhấn là cần chống tham nhũng ngay trong lòng các cơ quan chống tham nhũng hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng. Không biết từ bao giờ và khá phổ biến là người đứng đơn xin ly hôn thường được gợi ý đưa 5 triệu đồng để được thụ lý – đó chỉ là một dẫn chứng rất nhỏ về “tham nhũng vặt” nó đã trở nên công khai thế nào!
Cùng với các biện pháp tích cực ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt “như xử lý rốt ráo, giải quyết kịp thời tố cáo của dân, công khai danh tính cán bộ “tham nhũng vặt”, điều chuyển vị trí công tác,... thì cái lâu dài hơn là xây dựng văn hóa công sở mà ở đó, người ta thấy xấu hổ nếu vòi vĩnh, gây phiền hà và không thể thực hiện được hành vi “tham nhũng vặt”. Mặt khác, cần nhìn nhận một nguyên nhân gây ra “tham nhũng vặt” chính là tham nhũng lớn ở tầng nấc cao hơn.