Tham tán thương mại kể chuyện 'đi sứ' dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tết với người Việt là sum vầy, là nghỉ ngơi và gặp gỡ, chăm sóc người thân… Nhưng Tết với những Tham tán thương mại - người được giao nhiệm vụ “đi sứ” vẫn là những công việc hàng ngày, thậm chí còn là lúc làm việc nhiều hơn khi có thể kết nối, “bắt đúng mạch” của những người con xa xứ…
Ông Nguyễn Mạnh Quyết (áo đỏ) đón Tết cùng cộng đồng doanh nhân tại Mỹ. (Ảnh trong bài NVCC).
Ông Nguyễn Mạnh Quyết (áo đỏ) đón Tết cùng cộng đồng doanh nhân tại Mỹ. (Ảnh trong bài NVCC).

Tết luôn là thời điểm thiêng liêng nhất

Trong các cuộc trò chuyện, những tham tán thương mại, đại diện thương vụ mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều khẳng định, cộng đồng người Việt ở đâu cũng hướng về đất nước, hướng về cội nguồn, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến… Có những người xa quê đã mấy chục năm nhưng vẫn luôn cố gắng duy trì và giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Việt. Có người còn tâm huyết biên soạn sách Tết song ngữ cho trẻ em để giữ hồn cốt người Việt cho những thế hệ sau.

Tham tán thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thúy - người đã trải qua 10 cái Tết liên tục ở nước ngoài khi lần lượt tham gia công tác thương vụ tại Úc và hiện đang làm nhiệm vụ tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na uy…) tâm sự: “Dù ở đâu chăng nữa, dù bao nhiêu năm công tác nước ngoài đi chăng nữa, với tôi, Tết vẫn là một điều gì đó rất thiêng liêng”…

Mỗi dịp Tết đến, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài luôn tổ chức Tết cộng đồng để khơi gợi hơn tình yêu quê hương, đất nước của những người con xa xứ. Vì vậy họ đã tạo ra những khoảnh khắc đặc biệt và vẽ lên một bức tranh đầy sắc màu về Tết Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Tết với Trưởng Chi nhánh Thương vụ tại Houston (Hoa Kỳ) Nguyễn Mạnh Quyền lại là lúc được tạm thời nghỉ ngơi để chúc Tết người thân, bạn bè nhưng ngay sau đó lại “dành nhiều thời gian xem lại các công việc của năm cũ và nghĩ về kế hoạch công việc cho năm sau”.

Nhiệm vụ mà các Tham tán thương mại, Trưởng các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài đảm nhiệm rất nặng nề, “góp phần tăng sự hiện diện hàng Việt tại địa bàn sở tại, được tính bằng giá trị kim ngạch nhập khẩu cụ thể từng năm”. Do đó, hầu như những người làm thương mại khi “đi sứ” đều tận dụng khoảng thời gian của mình để gặp gỡ, kết nối với doanh nhân Việt kiều cũng như doanh nghiệp quốc tế.

Đặc biệt vào mỗi dịp Tết, cơ hội gắn kết càng lên cao. “Mỗi dịp Tết đến - Xuân về luôn là lúc để chúng tôi ngồi lại, hướng về Tổ quốc, với mong muốn có thêm nhiều cơ hội hợp tác, giúp cộng đồng và đất nước phát triển” - ông Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ.

“Mong muốn làm lớn” của những người Việt xa xứ

Tham tán thương mại Nguyễn Hoàng Thúy (áo đen) trò chuyện với nguyên Quốc vụ khanh Thụy Điển trong một hội chợ giới thiệu hàng Việt.

Tham tán thương mại Nguyễn Hoàng Thúy (áo đen) trò chuyện với nguyên Quốc vụ khanh Thụy Điển trong một hội chợ giới thiệu hàng Việt.

Người Việt, dù ở đâu cũng muốn đóng góp xây dựng đất nước. Đó chính là nguồn lực để Thương vụ vững tin với nhiệm vụ của mình. “Hàng Việt trước hết phải được cộng đồng người Việt của chúng ta đón nhận, sau mới lan tỏa được đến người dân bản địa” - Tham tán thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thúy khẳng định.

Và câu chuyện người Việt chung tay tiêu thụ chuyến vải đầu tiên tại nước Úc xa xôi được bà kể lại với cảm xúc vẫn vẹn nguyên như khoảng 10 năm trước… Năm 2015, quả vải là loại quả tươi đầu tiên của Việt Nam được Úc cho phép nhập khẩu. Nhưng không doanh nghiệp nào dám nhập khẩu do vận chuyển xa và điều kiện bảo quản trái vải chưa có gì bảo đảm. “Thời điểm ấy, chúng tôi đã phải đứng ra cam kết sẽ hỗ trợ tiêu thụ hết những lô hàng đầu tiên cho doanh nghiệp, bởi chúng tôi muốn hoa quả tươi Việt Nam có một con đường thuận lợi, bằng phẳng vào Úc, dù gặp bất lợi về khoảng cách giữa 2 quốc gia” - bà Thúy nói.

Và Thương vụ đã phải “xuống đường” - theo đúng nghĩa đen - cùng doanh nghiệp, luật sư người Việt tại Úc kêu gọi người dân ăn thử. Chỉ chưa đầy 1 giờ, hơn 300kg vải được bán hết và hơn 30 tấn vải được tiêu thụ ngay trong mùa đầu thử nghiệm chính là bước dẫn đường thành công cho hoa quả tươi Việt Nam vào Úc.

Quyển sách song ngữ Tết.

Quyển sách song ngữ Tết.

Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston chia sẻ, sau rất nhiều năm làm công tác thương vụ tại Thụy Sỹ và Hoa Kỳ, ông vô cùng ấn tượng với “mong muốn làm lớn” của doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. “Làm lớn” của doanh nhân Việt tại Mỹ chính là hướng tới mở các trung tâm thương mại, hệ thống phân phối, dịch vụ logistics, kho bãi lớn đưa hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn nữa vào Mỹ trong thời gian tới… “Sau nhiều năm sinh sống ở nước ngoài tôi nhận thấy, điểm chung mạnh nhất của người Việt Nam ở xa Tổ quốc là sự cảm thông, đùm bọc, sẻ chia… Đặc biệt trong các dịp lễ hội hay Tết Nguyên đán, mọi người thường dành nhiều thời gian chia sẻ với nhau cách thức làm ăn ở đất nước đa sắc tộc, thường chỉ cho nhau cách tìm các “mối hàng, bạn hàng” ở khắp các khu vực rộng lớn của nước Mỹ” - ông Quyền chia sẻ.

Cứ thế, lớp lớp doanh nhân thành công đều mong muốn có thêm nhiều dự án mới giúp Việt Nam xây thêm nhiều khu công nghiệp, đầu tư thêm nhà máy, mở rộng quy mô và dịch vụ tại Việt Nam, từ đó xây dựng hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm đậm chất Việt để đóng góp cho quê hương, góp phần làm giàu mạnh cộng đồng người Việt tại mỗi quốc gia…

“Mỗi dịp Tết đến - Xuân về luôn là lúc để chúng tôi ngồi lại, hướng về Tổ quốc, với mong muốn có thêm nhiều cơ hội hợp tác, giúp cộng đồng và đất nước phát triển” - ông Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ.

Đọc thêm