Thăng trầm chính sách với di dân trong lịch sử nước Pháp

(PLO) - Từng được mệnh danh “miền đất đón tiếp”, trong suốt hơn hai thế kỷ, nước Pháp đã đón nhận nhiều làn sóng nhập cư, trong thời bình cũng như trong thời chiến, cả trong giai đoạn khủng hoảng và hưng thịnh. Ban đầu là cư dân các nước láng giềng, rồi lan rộng ra khắp châu Âu và cả di dân tới từ các châu lục khác.  
Lính thợ Đông Dương đến Pháp làm việc những năm 1920
Lính thợ Đông Dương đến Pháp làm việc những năm 1920

Một thời “đất nước nhập cư”

Ngược dòng lịch sử, năm 1789, Cách mạng Tư sản Pháp nổ ra. Các nhà cách mạng đòi quyền bình đẳng cho tất cả mọi công dân. Sự khác biệt pháp lý duy nhất là vị thế “là người Pháp” hay “là người nước ngoài”.

Sang thế kỷ 19, Pháp trở thành “đất nước nhập cư”. Năm 1851, lần đầu tiên các nhà điều tra dân số thống kê có gần 380 ngàn người nước ngoài sinh sống tại Pháp, chủ yếu tới từ các nước láng giềng, đông nhất là người Bỉ, Ý và Đức. 

Năm 1870, Pháp bước sang nền Đệ tam Cộng hòa. Chính quyền kêu gọi tình đoàn kết, ban bố các biện pháp kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài. Tuy nhiên, tới năm 1881, số người ngoại quốc sống tại Pháp đã đạt ngưỡng một triệu người.

Đông nhất là nửa triệu người Bỉ, sống chủ yếu ở miền Bắc nước Pháp và làm việc trong các ngành dệt may, khai thác than đá. Còn người Anh, có trình độ, tay nghề, được đào tạo trước khi sang Pháp, khoảng 80 ngàn người đã góp phần thành lập và phát triển ngành luyện kim hiện đại, tham gia xây dựng các tuyến xe lửa đầu tiên của Pháp.

Năm 1889, luật quốc tịch định nghĩa rõ ràng quốc tịch Pháp và điều kiện để được cấp quốc tịch Pháp, tạo ranh giới rõ ràng giữa người Pháp và người ngoại quốc. Một cách khái quát, từ năm 1830 tới năm 1914, chính sách của Pháp với người nhập cư là vào Pháp tự do, nhưng cư trú dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. 

Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, những người nước ngoài tới từ các quốc gia là “kẻ thù” của nước Pháp buộc phải rời Pháp hoặc rút ra khỏi vùng quân sự, và bị tập trung về một số nơi nhất định. 

Trong khi đó, nhiều di dân tại Pháp đã tham gia chiến đấu vì nước Pháp. Ngoài ra, cũng giống như Anh quốc, chính quyền Pháp huy động quân tình nguyện từ các nước thuộc địa. Về sau, nhiều người bị ép buộc phải đi lính cho Pháp, dẫn đến sự căng thẳng và phản kháng ở nhiều nước thuộc địa, nhất là Algérie và Burkina Faso.

Còn ở hậu phương, vào cuối năm 1914, khi phần lớn đàn ông ra chiến trận, hàng chục ngàn di dân Bỉ được tuyển dụng vào ngành công nghiệp của Pháp. Chính quyền cũng nhập khẩu lao động nước ngoài là di dân từ các nước đồng minh hay các nước trung lập tới Pháp để bổ sung cho nguồn nhân lực bị thiếu hụt trong thời chiến và cấp cho họ “thẻ lao động”. Đây là thẻ mà các “di dân lao động” bắt buộc phải có để được vào Pháp. 

Hai phần ba trong tổng số hơn 400 ngàn lao động nước ngoài làm việc trong các ngành công nghiệp và 1/3 trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính phủ Pháp cũng đưa vài trăm ngàn nhân công từ các nước thuộc địa sang Pháp làm việc, nhất là người Algérie.

Từ năm 1916, quân đội Pháp được giao nhiệm vụ tuyển dụng và phân công lao động cho họ. Các binh lính và nhân công sau chiến tranh thường bị đưa trở về nước. 

Khi mặn nồng, khi hờ hững

Thế chiến 1 kết thúc, nước Pháp bước vào giai đoạn tái thiết đất nước, công nghiệp phát triển mạnh, chưa bao giờ Pháp lại cần nhiều lao động nước ngoài như trong những năm 1920. Và cũng chưa bao giờ có nhiều người nước ngoài ồ ạt đến Pháp trong một thời gian ngắn như trong giai đoạn giữa hai Thế chiến. 

Theo một thống kê mà nhiều người vẫn cho rằng chưa phản ánh hết thực tế, chỉ trong vòng 10 năm, số người nước ngoài tại Pháp đã tăng gần gấp đôi. Một triệu rưỡi người vào năm 1921 và hơn 2,7 triệu người vào năm 1931, tương đương với 7% dân số Pháp.

Giai đoạn này cũng đánh dấu sự bùng nổ di dân Ba Lan tại Pháp gồm 500 ngàn người. Pháp trở thành nước đón tiếp nhiều di dân nhất thế giới, nhiều hơn cả Mỹ. 

Người nhập cư dựng lều ở tạm trên đường phố Paris
Người nhập cư dựng lều ở tạm trên đường phố Paris

Vào năm 1919-1920, chính phủ Pháp đã ký các “công ước di dân” với nhiều nước châu Âu đông dân, như Ba Lan, Ý, Séc và Slovakia để nhập khẩu lao động từ các nước này. Các công ước đảm bảo người lao động nước ngoài tại Pháp được đối xử công bằng và được hưởng chế độ an sinh xã hội như người bản xứ.

Hợp đồng lao động của họ phải ghi rõ điều kiện làm việc và lương bổng. Năm 1927, Quốc hội Pháp thông qua luật tạo điều kiện cho di dân được nhập quốc tịch Pháp. Phụ nữ Pháp kết hôn với người nước ngoài không còn bị bắt buộc phải theo quốc tịch của chồng. 

Cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra năm 1931 khiến nhiều người coi di dân nước ngoài là “gánh nặng” đè lên vai nước Pháp, dẫn tới tâm lý bài ngoại trong xã hội. Năm 1932, Quốc hội Pháp thông qua với số phiếu tuyệt đối dự luật mới hạn định số lao động nước ngoài trong các ngành nghề để bảo vệ công ăn việc làm cho người Pháp.

Người tị nạn Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Đức phải cư trú trong những thành phố nhất định do chính phủ chỉ định. Nếu họ có hành động gây nguy hiểm cho an ninh công cộng, sẽ bị trục xuất. 

Trong khi nhiều người nước ngoài mất việc và bị trục xuất về nước, nhất là người Bồ Đào Nha và người Ba Lan, thì lại có nhiều người, nhất là người Do Thái từ các nước Đan Mạch, Đông - Trung Âu… chạy sang Pháp xin tị nạn trong sự hờ hững, lạnh nhạt của người Pháp.

Thế chiến 2 nổ ra vào năm 1939, chính phủ Pháp lại huy động hàng trăm ngàn người tự nguyện từ các nước thuộc địa, trong đó phải kể tới 178 ngàn người châu Phi và Madagascar tham gia chiến đấu cho quân đội Pháp, 20 ngàn người tới từ Đông Dương để tham gia lao động sản xuất trong các nhà máy. 

Sang thời thống chế Pétain, trong chính phủ Vichy 1940-1944, 15 ngàn người đã bị tước quốc tịch Pháp. Đây cũng là giai đoạn đầu tiên, tính từ hơn một thế kỷ trước đó, nước Pháp gần như không đón nhận người nhập cư. 

Điều không thể phủ nhận

Vào cuối năm 1945, cuộc khủng hoảng dân số sau chiến tranh đã dẫn tới sự ban bố hai đạo luật tạo điều kiện thuận lợi để di dân nước ngoài được cấp quốc tịch Pháp và xây dựng chương trình tuyển mộ lao động nước ngoài. Năm 1946, Pháp ký thỏa thuận tuyển dụng nhân công với chính phủ Ý. Di dân Ý và số người Ý được cấp quốc tịch Pháp tăng nhanh chóng.

Từ năm 1961 tới năm 1965, chính phủ Pháp lại ký thỏa thuận với các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nam Tư và Thổ Nhĩ Kỳ đón nhận di dân từ các nước này để bù đắp tình trạng thiếu hụt về dân số nói chung và nhân công nói riêng tại Pháp.

Theo điều tra dân số năm 1968, với 607 ngàn người, cộng đồng di dân Tây Ban Nha chiếm số đông nhất, nhiều hơn cả người Ý. Nhưng tới năm 1975, vị trí trên thuộc về cộng đồng người Bồ Đào Nha (750 ngàn người), đứng thứ hai là người Algérie.  

Từ năm 1975, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng dầu lửa 1973, nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, buộc chính phủ phải thắt chặt chính sách nhập cư. Năm 1974, Pháp ngưng đón tiếp lao động nước ngoài.

Năm 1977, chính quyền thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính cho những người nước ngoài muốn rời Pháp, hồi hương vĩnh viễn. Đồng thời chính phủ Pháp cũng chú trọng hơn đến việc giúp người nhập cư hòa nhập hơn vào xã hội Pháp. 

Vào năm 1999, Pháp có gần 3,26 triệu người nhập cư. Tuy nhiên, nếu tính theo tỉ lệ người nhập cư/tổng dân số Pháp, trong suốt hơn hai thế kỷ qua, chỉ có một lần duy nhất là vào năm 1982, tỉ lệ này vượt quá tỉ lệ 7% của năm 1931. Tính tổng cộng, Pháp đã đón nhận di dân tới từ hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. 

Năm 2002, tổng thống Pháp Jacques Chirac đưa ra ý tưởng mở bảo tàng Lịch sử di dân, nhằm giới thiệu và nhắc nhở công chúng về sự đóng góp quan trọng của người nhập cư trong công cuộc xây dựng nước Pháp.

Bảo tàng được hoàn thành năm 2007, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, bảo tàng đã không được mở cửa do nhiều lý do chính trị. Phải tới năm 2014, dưới thời tổng thống François Hollande, bảo tàng mới chính thức đi vào hoạt động. 

Sang thế kỷ 21 di dân vẫn là đề tài thời sự nóng hổi và nhạy cảm tại Pháp. Những cuộc tranh luận dai dẳng về người nhập cư vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là từ hơn hai thế kỷ lịch sử nay, di dân từ khắp mọi nơi trên thế giới đã mang lại nhiều đổi thay cho bộ mặt kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa - nghệ thuật của nước Pháp.

Đọc thêm