Thăng trầm cuộc đời nghệ nhân hát bội

(PLVN) - Dân gian có câu “bỏ cửa bỏ nhà vì ma hát bội” hay “trồng trầu trồng lộn dây tiêu, con theo hát bội mẹ liều con hư”, đều ngụ ý rằng ngày xưa có những người vì mê hát bội quá mà cãi cha cãi mẹ để đi theo đoàn hát, vì thời đó không nghệ thuật nào hơn hát bội.
Nghệ nhân Vũ Linh Tâm vai Lý Thường Kiệt trong trích đoạn “Câu thơ yên ngựa”
Nghệ nhân Vũ Linh Tâm vai Lý Thường Kiệt trong trích đoạn “Câu thơ yên ngựa”

Không phải người nghệ nhân hát bội lúc nào cũng là ánh hào quang sân khấu, phấn son rực rỡ mà khi họ cởi bỏ lớp áo mão vua chúa, không còn tiếng vỗ tay của khán giả thì họ cũng quay về với đời thực, trải qua những thăng trầm, tuổi cực với nghề.

Khán giả là ân nhân

Người nghệ sỹ làm kiếp con tằm phải chịu cảnh thăng trầm. Nhưng thịnh hay suy cũng không sướng vui gì. Lúc chiến tranh, có những tối đang hát bị giặc đánh phá không hát được, đói khát, phải trốn chui trốn nhủi, hay khổ hơn đào kép bị bắt đi quân dịch, không có ai hát đoàn đành rã gánh.

Cũng như lúc nắng thì hát được, nhưng những ngày mưa thì một tháng mưa 20 ngày cũng không hát được. “Tháng 8 là ngày giỗ Tổ, mà tháng 8 là tháng mưa rất nhiều, không hát được, có lúc kể cả không có tiền mua con gà cúng tổ phải vay mượn mua con gà”, nghệ nhân Vũ Linh Tâm, Trưởng đoàn Đồng Thinh, Phân hội trưởng phân hội Sân khấu tỉnh Vĩnh Long, Trưởng nhóm hát bội Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Long chia sẻ.

Sau giải phóng, Nhà nước khôi phục lại đình thần theo di chúc của Bác thì nghề hát bội đỡ khổ hơn vì có chỗ diễn, có điều kiện sống, nhưng cũng không đủ đâu vào đâu. Những người theo đoàn hát phải tìm cách xoay xở đủ nghề, mua bán đủ thứ để duy trì cuộc sống. 

Châm điếu thuốc trên tay, nghệ nhân Vũ Linh Tâm từ tốn, “Tôi có một quan điểm, dù bất kỳ ai cũng đừng quá tự hào về cái gì mình có được. Như người nghệ sỹ có cái thời, lúc tên tuổi lên cao, có danh tiếng thì cuộc sống dư dả, trù phú, may mắn rớt vào “hòn ngọc viễn đông” (Sài Gòn xưa – PV) nhưng mà sau đó cũng sẽ có lúc hết thời. Còn những người nghệ sỹ sống kiếp phong trần, lang thang phiêu bạt, họ lại có ân huệ riêng của họ, đó là cái tình của khán giả”. 

Chính vì những lúc mưa gió tảo tần đó, những người khán giả luôn mở rộng vòng tay đối với người nghệ sỹ. Nghệ sỹ ngày xưa giống như người lính “Việt Cộng” vậy, các bà các mẹ nuôi và thương như con mình, có món ngon vật lạ gì họ cũng để dành cho nghệ sỹ. Đó là sự bù đắp lớn lao cho những thăng trầm của nghề, của đời. 

“Cuộc đời làm nghệ sỹ ai không nhớ cái đó là không được, phải nhớ khán giả là ân nhân, dù khán giả đó là người trí thức hay bình dân thì cũng đều là ân nhân của mình, vì không có họ sẽ không có mình. Làm nghệ sỹ cũng là sớm nở tối tàn mà, dù có giỏi cách mấy thì lúc đầu vẫn là người bình thường.

Người ta hỏi nghệ sỹ là ai, Minh Phụng là ai, Lệ Thủy, Minh Vương, Vũ Linh Tâm là ai, là nông dân. Cuộc đời nghệ sỹ không ai khác hơn là những người nông dân. Trước kia họ cũng vất vả, cũng gia đình nghèo nhưng họ lại có cái phần phước vào một thời điểm nào đó mà vụt sáng lên”, nghệ nhân Vũ Linh Tâm nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích nghệ nhân hát tuồng, vẫn tồn tại các phần tử bất hảo, thường đến quậy phá, đánh kép hát. Và hơn ai hết, những lúc đó, chính những người khán giả là những người đứng ra cầm ghế chống lại, bảo vệ cho nghệ sỹ.

Vì vậy những nghệ nhân, nghệ sỹ khi đứng trên sân khấu họ thường nói câu “Xin cám ơn quý vị khán giả ân nhân kính mến”, đó là câu truyền thống mà những người làm nghề phải biết. 

Cống hiến và gìn giữ

Tiếp nối truyền thống gia đình với 3 thế hệ đi trước, vì vậy mà sự cảm thụ nghệ thuật hát bội trong nghệ nhân Vũ Linh Tâm rất tốt. Gần 50 năm gắn bó với nghề, người nghệ nhân lão luyện đã tích cóp cho mình khoảng 50 vai diễn với  nhiều thể loại vai, từ kép hài, kép mùi cho đến kép chánh. Vai diễn nào cũng không làm khó được ông. 

Vào nghề từ năm 13 tuổi, vai diễn đầu tiên ông đóng vai nhân vật Tiết Đinh San trong lịch sử Trung Quốc đã đặt dấu mốc đầu tiên cho con đường sự nghiệp của ông. Năm 18 tuổi, ông làm Phó Chủ nhiệm Đoàn hát Đồng Thinh. Đây là đoàn của ông ngoại ông ngày xưa. Đến năm 22 tuổi ông lên làm Trưởng đoàn Cải lương Bông Hồng Vàng.

Hiện tại, ông không chỉ giữ vai trò là Trưởng đoàn Đồng Thinh mà còn là Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu tỉnh Vĩnh Long, Trưởng nhóm hát bội Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Long (nhóm này chuyên phục vụ khách nước ngoài). Bên cạnh đó, ông còn nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng vì những cống hiến của mình.

Nghệ nhân Vũ Linh Tâm không chỉ là nghệ nhân trên sân khấu, mà còn là đạo diễn và tự viết ra những tác phẩm diễn trên sân khấu. Khi đến bất kỳ địa phương nào, ông đều dành thời gian để khảo sát, tìm hiểu tình hình đời sống, nguyện vọng của bà con nơi đó nhằm lắng nghe và đưa cuộc sống đời thực đó lên sân khấu. 

Bước vào tuổi lục tuần, nghệ nhân Vũ Linh Tâm không còn nghĩ nhiều về cái gọi là tiếng tăm, điều ông mong ước là một cuộc sống ổn định và có thể đào tạo ra thế hệ nghệ sỹ trẻ tài năng: “Tôi mong ước làm sao tìm được những hạt ngọc quý, tìm được người triển vọng để thay mình gìn giữ và phát triển bộ môn này.

Phụ truyền tử kế, nếu không bảo tồn thì sau này khi lớp người như chú không còn thì mai này không ai còn biết đến loại hình này nữa”. Hiện tại, nghệ nhân Vũ Linh Tâm đã đào tạo được không ít những nghệ nhân trẻ, trong đó có con cháu của ông, là lứa thế hệ thứ 5 trong gia đình kế thừa bộ môn nghệ thuật hát bội.

Hát tuồng ngày xưa vốn chỉ hát trong cung đình, cho Vua Chúa và những quan được phong sắc thần xem. Sau này nó xuất hiện trong dân gian là bởi lẽ người ta quan niệm “sống làm tướng, thác làm thần” nên hát bội được diễn ở các đình, nơi thờ những vị tướng, vị thần. Khi truyền vào miền Nam với một tên gọi mới là hát bội (hay hát bộ). Đồng thời, cách hát cũng được biến tấu khác đi, sáng tạo theo bài bản riêng. 

Đọc thêm