Thanh âm vang vọng buôn làng Đăk Răng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vừa bước tới đầu buôn làng Đăk Răng, tiếng cồng chiêng, hát xoang rộn rã cuốn hút đoàn lữ hành vào thăm. Trong văn hóa của người Giẻ Triêng, âm nhạc luôn gắn liền với cuộc sống hàng ngày, trong những lúc lên nương, lên rẫy, hay trong những lễ như mừng lúa mới, đám cưới, tỏ tình và đón du khách phương xa…
Thanh âm của người Giẻ Triêng vang vọng đại ngàn.

Thanh âm của người Giẻ Triêng vang vọng đại ngàn.

Tiếng cồng, tiếng chiêng rộn ràng giữa đại ngàn

Các thế hệ của người Giẻ Triêng sinh ra và lớn lên trong tiếng cồng chiêng, bên ánh lửa bập bùng, cùng những điệu múa xoang truyền thống. Dân tộc Giẻ-Triêng là một trong những dân tộc có văn hóa rất độc đáo và giàu bản sắc. Di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng vừa mang dấu ấn của cư dân Tây Nguyên vừa in đậm sắc thái Trường Sơn.

Làng văn hóa Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, Kom Tum) có 120 hộ, gần 400 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Giẻ Triêng chiếm trên 95%. Ngôi làng có cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hội tụ đầy đủ các yếu tố cảnh quan chung của vùng đất Tây Nguyên và đặc biệt rất mến khách.

Du khách được buôn làng chào đón bằng những tiếng cồng, tiếng chiêng vang dội với những điệu múa xoang mềm mại, uyển chuyển. Cồng chiêng của người Giẻ Triêng có 1 bộ gồm 3 loại: 1 ống nứa, một trống nhỏ và một chiêng bằng đồng, khi bộ ba hợp âm này vang lên thì tất cả mọi người trong làng nắm tay nhau, cùng nhau “uống rượu, nhảy rạp”, nhảy cho hết ngày và đêm, say sưa với đất trời.

Cồng chiêng xuất hiện trên mảnh đất Tây Nguyên chan hòa nắng gió từ bao giờ không ai rõ. Nó như mạch nước ngầm thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Cồng chiêng là linh hồn của các lễ hội, gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc. Từ khi sinh ra, người dân đã nghe tiếng cồng tiếng chiêng ngân vang khắp núi rừng trong các dịp lễ hội truyền thống như khi gieo hạt lúa, lúc gọi linh hồn người về rừng, khi gọi hồn lúa....

Cồng chiêng không thể thiếu trong âm nhạc Giẻ Triêng.

Cồng chiêng không thể thiếu trong âm nhạc Giẻ Triêng.

Những bộ chiêng cổ là “vật chứng sống” tượng trưng cho sự trường tồn của bản làng trước những thay đổi của nhịp sống mới. Hầu hết người trong làng hôm nay đều một lòng gìn giữ, nối truyền, đồng thời tiếp tục duy trì những lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp để cho tiếng cồng, tiếng chiêng luôn có dịp được vang lên.

Không chỉ mang tính chất nghi lễ, nếu không có cồng chiêng, ngày tết, ngày lễ hội sẽ không vui, không tập trung được lũ trẻ, trai gái và buôn làng. Tuỳ vào từng lễ nghi mà giai điệu chiêng khác nhau, có khi thong thả, nhịp nhàng khoan thai; có khi rộn ràng, sôi nổi; có khi trầm buồn.

Nghệ nhân ưu tú - Già làng Đăk Răng - A Brol Vẽ (sinh năm 1945) mời du khách vào thăm “bảo tàng âm nhạc mini” của mình với sự tự hào khó giấu. Bộ nhạc cụ truyền thống của người Giẻ Triêng gồm 14 món là: Đoar, Pin, Ring, Oong Eng Nhâm, Pin Pui, Khèn, Đinh Tút, Ong Eng Ọt, Đâl Đô, Gar, Pun Pâu, Ta Linh, Ta Lẻ và Tơ Lun… đều được già làng trưng bày, nâng niu tại “bảo tàng âm nhạc mini” này. Các loại nhạc cụ này chủ yếu được làm từ gỗ, tre, nứa, giang… được lấy trên rừng gần làng. Để làm được nhạc cụ, nghệ nhân cần có tay nghề cao, cẩn thận, tỉ mỉ; bởi sự tinh tế cần thiết trong việc đục, đẽo, khoét lỗ. Qua đó, tạo ra những nhạc cụ có chất lượng âm thanh tốt, đạt tiêu chuẩn.

Mỗi loại nhạc cụ đều có ý nghĩa và sử dụng trong một ngữ cảnh riêng. Đơn cử như: Tơ Lun sẽ được dùng để thổi khi lên nương, lên rẫy, nhằm giảm đi mệt mỏi; Ta Lẻ dùng để thổi khi đi lên rừng nhằm xua đuổi thú dữ; Khèn dùng cho các đôi nam nữ tỏ tình với nhau; Oong Eng Nhâm dùng để thể hiện nỗi nhớ chồng đi làm xa của người phụ nữ trong gia đình. Cha kẹt là một loại nhạc cụ được làm bằng sừng trâu, hình dáng giống như tù và. Lúc thổi, người sử dụng như hóa thân vào vị thủ lĩnh oai hùng có sức mạnh vô biên trấn giữ cho làng bình an...

Để chứng minh thanh âm núi rừng, già làng U80 nhanh nhẹn lấy các nhạc cụ, lần lượt trình diễn các loai nhạc cụ và ngân nga điệu hát của dân tộc Giẻ Triêng. Già làng người Giẻ Triêng còn có bộ chiêng sum bảy lá của gia đình treo trên vách. “Nó là bộ chiêng quý thật đấy, được đánh trong các hội làng, nhưng cả bộ không bằng hai lá chiêng đang cất trong nhà”. Nói đoạn già làng Brol Vẽ đi vào nhà trong, lát sau đi ra, trên hai tay già làng cầm hai lá chiêng, cái lớn chừng 50cm, cái nhỏ 40cm khoe: “Cả hai xã Đăk Dục và Đăk Nông bây giờ, chỉ còn có mỗi mình nó. Đến giờ, người làm chiêng này càng hiếm, bởi kỹ thuật làm chiêng thành bí truyền. Bộ chiêng của già Brol Vẽ nguyên bộ có bốn lá, gồm Ko, Kon, Tray, Sao, do dòng họ đổi từ 8 con trâu với người Lào và giao cho cha của Brol Vẽ cất giữ.

Nghệ nhân ưu tú - Già làng Đăk Răng - Brol Vẽ đang trình diễn nhạc cụ dân tộc Giẻ Triêng.

Nghệ nhân ưu tú - Già làng Đăk Răng - Brol Vẽ đang trình diễn nhạc cụ dân tộc Giẻ Triêng.

Giữ “hồn” Giẻ Triêng

Để có thêm cồng chiêng chào đón du khách và giao lưu các dân tộc, cả làng chắt chiu góp tiền, góp thóc sắm cồng chiêng. Trong ngôi làng nhỏ bé, cứ 1 tháng 2 lần, đội nghệ nhân nam, nữ với khoảng 50 người trong sắc phục truyền thống cùng ôn lại những bài múa xoang, cồng chiêng và sáng tác thêm những điệu múa mới, dựa trên âm thanh vang vọng núi rừng.

“Ngày trước, già làng Brol Vẽ và Bloong Lê vận động bà con mình tập, thành lập đội nghệ nhân. Nhờ sự truyền lửa của các nghệ nhân đến bây giờ, 2 đội nghệ nhân phát triển mạnh. Già trẻ, gái trai cùng hăng say tập luyện, giao lưu văn hóa với các dân tộc khác ở trong và ngoài tỉnh” – chị Y Loan nói.

Người dân buôn làng Đăk Răng còn tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, liên hoan dân ca dân vũ với nhiều quy mô khác nhau… Các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cho dân tộc Giẻ Triêng.

Những năm qua, nhà của già Brol Vẽ đã đón tiếp hơn 100 khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa. Già làng xem đó như một phần trách nhiệm của mình, và sẽ còn làm cho đến khi nào không còn làm được nữa mới thôi. Nhìn ông say sưa trong điệu nhạc với âm thanh biến đổi, khi trầm bổng, du dương, rộn ràng như một nghệ sĩ thực thụ mới biết tình yêu ông dành cho văn hóa, âm nhạc dân tộc là vô cùng.

Nhiều người rất thích chiếc đàn T’roan – loại đàn này được làm từ một sợi dây mây rừng, thân tre thân lồ ô. Đây là nhạc cụ được bà con tự chế và đặt ở nương rẫy để xua chim chóc xuống ăn lúa. Nhạc cụ này phát ra âm thanh là nhờ sức gió đẩy các thanh tre, lồ ô va vào nhau tạo ra tiếng nhạc. Đàn T’roan có nhiều kích thước, dài bao nhiêu tùy ý thích mỗi người, nếu đàn được làm càng dài, chứng tỏ ruộng rẫy của gia chủ rộng lớn, cần âm thanh phát vang xa.

Trẻ nhỏ Giẻ Triêng với điệu múa xoang.

Trẻ nhỏ Giẻ Triêng với điệu múa xoang.

Ai cũng ngạc nhiên thích thú và cả khâm phục tâm huyết giữ gìn văn hóa làng của dân làng. Bên cạnh thưởng thức trình diễn nhạc cụ ngay tại làng, du khách có thể mua nhạc cụ của người Giẻ Triêng làm kỷ niệm. Việc tạo ra các nhạc cụ vừa giúp thế hệ trẻ “giữ lửa” trong giữ gìn và bảo vệ nét đẹp của văn hóa dân tộc, vừa góp phần tăng thu nhập vào mùa nông nhàn cho nhiều hộ gia đình.

… Những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng, đã sống mãi cùng đất trời và con người Giẻ Triêng Tây Nguyên.

Đến với Tây Nguyên, ai cũng muốn được thưởng thức những âm thanh trầm bổng, vang vọng của cồng chiêng giữa núi rừng đại ngàn. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt bởi sự đa dạng độc đáo của kỹ thuật diễn tấu, mà còn là tiếng nói tâm linh, là biểu tượng cho cuộc sống của con người nơi đây.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 25/11/2005, đã trở thành một điểm nhấn về văn hóa, du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất cao nguyên đầy nắng gió.

Đọc thêm