Thanh Hóa: Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tính đến ngày 25/11/2023, Thanh Hóa đã giải ngân vốn năm 2023 được 9.181 tỷ đồng, bằng 61,5% kế hoạch. Để hoàn thành kế hoạch, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cấp, ngành, địa phương hết sức cố gắng, tập trung, nỗ lực để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra với phương châm thần tốc, quyết liệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra, đôn đốc các dự án đầu tư công trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra, đôn đốc các dự án đầu tư công trên địa bàn.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 14.924,312 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kế hoạch là 14.894,418 tỷ đồng, bằng 99,8% KH cho 296 chương trình, nhiệm vụ và dự án (trong đó phân bổ cho 93 dự án đã hoàn thành, bao gồm 35 dự án đã hoàn thành có quyết toán và 58 dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt; 120 dự án chuyển tiếp; 65 dự án khởi công mới; 18 dự án chuẩn bị đầu tư).

Số vốn chưa phân bổ, giao kế hoạch (số vốn của các chương trình, dự án chưa có đủ hồ sơ, thủ tục đầu tư) là 29,892 tỷ đồng (trong đó, vốn NSTW của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022 là 7,675 tỷ đồng, năm 2023 là 22,217 tỷ đồng), chiếm 0,2% KH. Đến ngày 30/11/2023, các dự án này vẫn chưa phê duyệt dự án đầu tư, nên chưa đảm bảo điều kiện giao kế hoạch năm 2022 và năm 2023.

Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công của cả nước còn gặp nhiều khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể, đến ngày 25/11/2023, giải ngân vốn năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) được 9.181 tỷ đồng, bằng 61,5% KH (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023), tuy thấp hơn 3,9% so với cùng kỳ, song cao hơn 2,03% so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước.

Nếu chỉ tính riêng kế hoạch năm 2023 (không bao gồm vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) thì tỷ lệ giải ngân đạt 65,1% KH, tương đương so với tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 của cả nước.

Bên cạnh những nguồn vốn, chương trình, dự án giải ngân chậm, làm giảm tỷ lệ giải ngân của tỉnh, nhìn chung, việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 có nhiều đơn vị, chủ đầu tư đã nỗ lực, cố gắng; đến nay đã giải ngân vốn đạt từ 90% KH trở lên, góp phần quan trọng vào kết quả tỷ lệ giải ngân chung của cả tỉnh.

Tuy nhiên, qua rà soát và theo dõi, đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự báo số vốn còn dư, không có khả năng giải ngân là 2.024,2 tỷ đồng (bao gồm: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 338,9 tỷ đồng, vốn nước ngoài 238,52 tỷ đồng, vốn NSTW đầu tư Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn, Quảng Xương - Tĩnh Gia (BOT) 979,316 tỷ đồng, vốn NSTW thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 97,417 tỷ đồng; chi bồi thường GPMB và đầu tư hạ tầng đối với các dự án khai thác quỹ đất do tỉnh quản lý để thực hiện ghi thu - ghi chi 344,372 tỷ đồng; vay lại 25,723 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng nguồn của cả tỉnh). Dự kiến trong khoảng thời gian tới, đến 31/12/2023 số vốn có khả năng giải ngân là 12.900 tỷ đồng, đạt khoảng 86,5%. Nếu chỉ tính riêng kế hoạch năm 2023 thì khả năng giải ngân đạt khoảng 92% KH.

Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, nhiệm vụ giải ngân tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn, với số vốn phải giải ngân là 5.742 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra với phương châm thần tốc, quyết liệt, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của tất cả các cấp, các ngành và các chủ đầu tư. Đồng thời, yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chỉ rõ nguyên nhân chậm ở từng dự án, từng khâu trong quá trình thực hiện để có hướng xử lý, tháo gỡ kịp thời.

Đọc thêm