Thanh Hóa: Truy vết, ngăn chặn lây lan bệnh bạch hầu trên địa bàn

(PLVN) - Sau khi ghi nhận ca bệnh bạch hầu tại thị trấn Mường Lát, ngày 6/8, Sở Y tế Thanh Hoá đã có văn bản hỏa tốc gửi các ban, ngành và đơn vị liên quan tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ y tế lấy mẫu bệnh phẩm trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh tại huyện Mường Lát. (Ảnh: Báo TH)

Theo đó, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đề nghị các cơ quan báo chí thông tin đúng, đủ, chính xác về tình hình dịch, bệnh; tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết và các biện pháp phòng, chống bạch hầu theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

UBND huyện Mường Lát, Trung tâm Y tế, Bệnh viện đa khoa huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai đầy đủ các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh bạch hầu, khẩn trương triển khai ngay các biện pháp điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, theo dõi người tiếp xúc và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh bạch hầu theo quy định.

Các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện việc xác minh ca bệnh; điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, theo dõi người tiếp xúc và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh bạch hầu theo quy định.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu và các tỉnh liên quan để điều tra dịch tễ, điều tra tiền sử tiêm chủng của trường hợp mắc bệnh vừa được phát hiện để triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp.

Đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa điều tra dịch tễ tại khu phố Đoàn Kết. (Ảnh: Báo TH)

Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị các trường hợp bệnh bạch hầu nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác nói chung.

Đồng thời, Sở Y tế Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn, phát hiện sớm, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế; đồng thời triển khai ngay các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong.

Tăng cường rà soát các đối tượng chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đầy đủ các vắc xin có thành phần bạch hầu, nhất là các đối tượng tiêm chủng ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế để tổ chức tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh cần chủ động nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện tốt công tác thống kê, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Trước đó, tối 5/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa ghi nhận ca bệnh đầu tiên dương tính với bệnh bạch hầu. Đó là trường hợp nữ bệnh nhân P.L.M, sinh năm 2007, ở bản San Cha, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; thường trú tại tiểu khu Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Bệnh nhân có biểu hiện đau rát họng, sau 3 ngày điều trị tại nhà không đỡ, ngày 4/8 bệnh nhân đến phòng khám tư nhân và được tư vấn đến Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát cùng ngày với các triệu chứng sốt nhẹ, đau rát họng, nuốt vướng, niêm mạc họng đỏ xung huyết, amidan 2 bên sưng nề đỏ, có nhiều giả mạc trắng bám trên bề mặt amidan.

Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và được chuyển lên Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cùng ngày.

Bệnh nhân P.L.M được cách ly điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh: Báo TH)

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thăm khám bệnh nhân, ghi nhận các triệu chứng: Đau rát họng, không sốt, không ho, không khó thở; vùng lưỡi gà và thành sau họng có nhiều giả mạc màu trắng ngà, bóng, dai, dính chặt; kết quả nhuộm soi hình ảnh vi khuẩn bạch hầu; kết quả nuôi cấy dương tính (+). Bệnh nhân được chẩn đoán là bạch hầu/thai 8 tháng.

Đây là một trường hợp bệnh bạch hầu xảy ra trên địa bàn huyện Mường Lát, huyện khó khăn, vùng biên giới, tỷ lệ bao phủ vắc xin chưa cao, năng lực thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh cũng như giám sát, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm còn hạn chế; hiện chưa rõ nguồn lây, chưa rõ tiền sử tiêm chủng của người bệnh.

Kết quả rà soát, phát hiện thêm 04 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân có biểu hiện đau họng đã được di chuyển đến BVĐK huyện để cách ly, điều trị và 15 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân được cách ly tại nhà và theo dõi tình trạng sức khoẻ trong vòng 14 ngày các kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định.

Hiện tại, tình trạng bệnh nhân P.L.M đã ổn định, được BVĐK tỉnh Thanh Hóa đấu mối, phối hợp, chuyển tuyến tới điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Đọc thêm