Thanh niên làm gì để gìn giữ được giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình?

(PLO) - Xây dựng gia đình hạnh phúc làm nền tảng cho một xã hội thực sự văn minh đang là vấn đề bức thiết hiện nay, trong đó có trách nhiệm to lớn của đoàn thanh niên. Nội dung này đã được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. 
 
Ông Nguyễn Hữu Châu - Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ truyền thống Đoàn TN các cơ quan TƯ Cục miền Nam, ủy viên Hội đồng Tư vấn về Văn hóa Xã hội, UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Châu - Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ truyền thống Đoàn TN các cơ quan TƯ Cục miền Nam, ủy viên Hội đồng Tư vấn về Văn hóa Xã hội, UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Hữu Châu - Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ truyền thống Đoàn TN các cơ quan TƯ Cục miền Nam, ủy viên Hội đồng Tư vấn về Văn hóa Xã hội, UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề này:

Trong nhiều năm qua, đời sống và văn hóa gia đình đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Thậm chí, ở một góc độ nào đó, nề nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam đã bị phá vỡ. Trong không ít gia đình, sự chi phối yếu tố vật chất có xu hướng gia tăng, nhưng giá trị tinh thần lại bị xem nhẹ. Nhất là ở các đô thị, bếp ăn của nhiều gia đình lạnh lẽo, mâm cơm chiều quây quần nhiều thế hệ ngày càng hiếm, sự liên kết giữa các thành viên gia đình ngày cảng lỏng lẻo. Tâm lý quá coi trọng đồng tiền, coi trọng giá trị vật chất càng lúc càng phổ biến.

Một bộ phận trong xã hội đánh giá con người không bằng trí tuệ, nhân cách đạo đức, lối sống mà bằng việc có nhà to hay không, đi xe gì, tiêu bao nhiêu tiền. Nhiều bậc làm cha mẹ cũng bị lôi cuốn vào áp lực công việc hàng ngày mà ít quan tâm đến xây dựng hạnh phúc gia đình, nhiều thanh niên không còn muốn gắn với gia đình. Tỷ lệ ly hôn gia tăng, bạo lực gia đình ngày càng tăng, trẻ hóa, nạn cướp của, giết người cả người thân trong gia đình, tệ nạn xã hội phức tạp, tràn lan khắp nơi thường rơi vào thanh niên. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng phải đau buồn, đánh giá thẳng thắn: Văn hóa ở nước ta ngày càng xuống cấp. 

Trong khi đó, hiện tượng bệnh “thành tích” đã lan tỏa, ăn sâu bám chặt khắp mọi nơi, từ Trung ương đến cơ sở. Địa phương nào (63 tỉnh, thành) cũng tuyên bố đạt 90-95% gia đình văn hóa, 90-95%  Khu phố văn hóa (ấp) là không trung thực, trái lòng dân. Đến mức không ít gia đình đã từ chối nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”, vì nó “bão hòa”, đánh đồng giữa “gia đình văn hóa” và” gia đình thiếu văn hóa”. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra căn bệnh này sinh từ đội ngũ cán bộ, đảng viên như: “ham chuộng hình thức, báo cáo láo, giấu cái dở, cái xấu, chỉ nêu cái tốt, cái hay. Họ xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân”. Thế nhưng, nhìn chung tổ chức Đoàn thanh niên lâu nay vẫn chưa thực sự nắm chặt chẽ biến đổi của đời sống thanh niên trên địa bàn khu dân cư.

Trước thực trạng này, tổ chức Đòan thanh niên phải tăng cường nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trước bức xúc của nhân dân. Tổ chức thanh  niên là một trong những chủ thể có trách nhiệm trước tiên trước vấn nạn bạo lực trong gia đình, ở nhà trường, ngoài xã hội ngày càng tăng, xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay. Nhiều tệ nạn xã hội phát sinh  phần lớn liên quan đến đối tượng thanh niên. Đoàn Thanh niên chính là tổ chức có điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện các đề án, kế hoạch,  phát động các phong trào thanh thiếu niên nhằm góp phần tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Đảng đào tạo đoàn viên, thanh niên thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Và những vấn đề bức xúc đặt ra trong cuộc sống hôm nay càng cho thấy việc phát huy vai trò “vừa hồng vừa chuyên” của tuổi trẻ Việt  Nam. Đó là yêu cầu cấp thiết xây dựng từng tế bào gia đình hạnh phúc làm nền tảng cho sự phát triển lành mạnh xã hội, đề cao trách nhiệm của tuổi trẻ ở cơ sở, ở khu dân cư – nơi mà mọi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, thanh niên  thuộc các tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc về đây sinh sống.

Muốn vậy, cần quan tâm đúng mức đến việc xây dựng một đội ngũ cán bộ Đoàn, Chi đoàn mạnh ở cơ sở, ở khu dân cư, có đủ năng lực, tính chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức và khát vọng của tuổi trẻ để phát huy vai trò làm chủ của thanh thiếu niên trong xây dựng gia đình, gắn kết chặt chẽ với nhà trường và xã hội. Đoàn Thanh niên cần có Đề án xây dựng và phát triển gia đình hạnh phúc ở khu dân cư với vai trò làm chủ của thanh niên. Tại địa bàn quan trọng này sẽ có điều kiện để xây dựng hình mẫu người thanh niên biết sống vì cộng đồng, xây dựng cán bộ Đoàn vừa “hồng” vừa “chuyên”, xây dựng Đoàn cơ sở, chi đoàn mạnh. 

Thiết nghĩ, thực hiện tốt trách nhiệm là thành viên của MTTQVN, Đoàn có cơ hội phối hợp với các đoàn thể, hội đoàn khác, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhất là góp phần cùng nhà trường, xã hội đẩy lùi những tệ nạn xã hội. Cùng với các tổ chức đoàn thể khác, Đoàn TNCS HCM, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam là lực lượng tiên phong tốt nhất nhằm  phát động phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trong Dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đoàn Khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI có đoạn nêu rõ: “Phần lớn thanh niên có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, có hành động thiết thực, cụ thể ở cộng đồng”, “xây dựng gia đình trẻ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, “Tiếp tục đổi mới mô hình và tổ chức hoạt động của Đoàn, trọng tâm là tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư”, “Nâng cao chất lượng Đoàn cơ sở và Chi đoàn cơ sở”, “Thực hiện trách nhiệm của Đoàn thanh niên là thành viên của MTTQVN trong phối hợp giáo dục, rèn luyện, phát huy thanh niên”. Những nội dung trên phù hợp với văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, cần phải nỗ lực triển khai thực hiện trong đời sống. 

Đọc thêm