Thành phần tham dự tiếp xúc cử tri vẫn chủ yếu là cán bộ

(PLO) -Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp chiều qua (11/12).
 

Ban hành nghị quyết chưa đảm bảo theo luật định 

Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết, tình hình tổ chức của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND các cấp về cơ bản đảm bảo số lượng, cơ cấu theo các quy định. Trình độ đại biểu HĐND ngày càng được nâng lên, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tăng (4%), số lượng Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tham gia cấp ủy tăng so với nhiệm kỳ trước.

Về tình hình ban hành nghị quyết của HĐND, theo Báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến hết tháng 6/2017, HĐND các tỉnh đã tổ chức từ 3-6 kỳ họp, ban hành 3.803 nghị quyết, trong đó có 935 nghị quyết về công tác tổ chức, 1.839 nghị quyết chuyên đề và 1.029 nghị quyết khác. Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực của HĐND cơ bản kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và quy định của pháp luật. Các địa phương đã quan tâm hơn về công tác chuẩn bị ban hành các chính sách, do đó công tác này đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND có lúc, có việc còn hình thức, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc tuân thủ quy trình ban hành nghị quyết chưa đảm bảo chặt chẽ theo trình tự luật định; việc tổ chức lấy ý kiến và đánh giá tác động của một số dự thảo nghị quyết còn mang tính hình thức...

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu cho rằng “đã là HĐND mà ban hành nghị quyết chưa đảm bảo chặt chẽ theo trình tự luật định là rất đáng lo”. “Những cơ quan khác thì còn có thể châm chước một chút nhưng cơ quan ban hành “quy định của  địa phương” mà làm không theo trình tự luật định, nếu để kéo dài thì nguy, vì văn bản quy phạm pháp luật khi có sai sót sẽ gây ra hậu quả vô cùng lớn. Theo đánh giá của tôi, đây là vấn đề rất lớn”, ông Giàu nói. 

Còn Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dẫn kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri cho thấy có đến 70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề đất đai. Trong đó, nhiều dự án liên quan tới các công trình công cộng, giữa mục đích kinh doanh và xã hội nhiều khi còn lẫn lộn nên dù khẳng định việc thu hồi là vì lợi ích quốc gia, phát triển xã hội nhưng người dân lại nghĩ là vì kinh doanh. Với việc những dự án như vậy đều được HĐND các cấp phê chuẩn, bà Hải kiến nghị nêu rõ việc ban hành các nghị quyết của HĐND các cấp cho phép thu hồi đất để xây dựng các dự án kinh doanh và kinh doanh cần rõ ràng, công khai, minh bạch và giải thích rõ cho người dân.

Tiếp xúc cử tri còn ít

Ngoài ra, Báo cáo cũng cho biết, hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) theo chuyên đề còn ít, chưa khắc phục được tình trạng thành phần tham dự TXCT chủ yếu là cán bộ xã, thôn, bản, khu phố; việc giải quyết kiến nghị cử tri của một số đơn vị có lúc còn chậm. Một số đại biểu hoạt động không chuyên trách chưa làm tốt vai trò của người đại biểu do trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động còn hạn chế…

Cho ý kiến về vấn đề TXCT sau kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho hay, một vài tỉnh hiện kiến nghị sau kỳ họp không nhất thiết phải tiếp xúc cử tri vì HĐND tỉnh khi họp đã truyền hình trực tiếp và sau kỳ họp thì đã in phần trả lời các kiến nghị của người dân, đưa đến tận xã để người dân biết. Do đó, ông Định cho rằng việc TXCT trước kỳ họp thì cần nhưng tiếp xúc sau kỳ họp có lẽ không bắt buộc và nên linh hoạt hơn. 

Ngược lại, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề xuất nên giữ ít nhất là TXCT trước và sau kỳ họp, đồng thời phát triển thêm các hình thức TXCT để thể hiện trách nhiệm của ĐB trong việc giữ mối liên hệ với người bầu ra mình. Bên cạnh đó, bà Hải cũng nêu kiến nghị sớm thu hẹp về một đầu mối văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn các đại biểu HĐND về TXCT để hoạt động này đạt hiệu quả.

Thảo luận tại phiên họp, nhận định tinh thần đổi mới và hiệu lực, hiệu quả của QH chưa lan tỏa mạnh đến hoạt động của nhiều tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến cho rằng hoạt động của HĐND cần có những đổi mới, nhất là HĐND cấp tỉnh phải đi kịp, sát với hoạt động của QH, tránh tình trạng “trên thì nóng nhưng dưới vẫn nguội”. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định đề xuất nêu rõ địa chỉ, quy rõ trách nhiệm của những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND.

Đọc thêm