Sự kiện có sự góp mặt của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (AAM - Singapore), Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) và nhiều ngân hàng lớn trong nước và quốc tế cùng các đơn vị thành viên hoạt động ngành năng lượng trực thuộc Tập đoàn TTC.
Hội nghị phác hoạ bức tranh toàn cảnh về ngành năng lượng tái tạo, phân tích xu hướng năng lượng sạch hiện nay. Ông Yasushi Ujioka - Đại diện AAM và là thành viên Hội đồng Quản trị CTCP Điện Gia Lai (GEC) cho biết tổng công suất năng lượng tái tạo tại ASEAN hiện khoảng 4 GW chiếm 0,5% tổng số thế giới. Tổng công suất năng lượng tái tạo ASEAN vẫn còn dưới 10% về công suất phát điện. ASEAN đặt mục tiêu đầy tham vọng là nâng tỷ lệ này lên 23% vào năm 2025 và các nước thành viên khác cũng đạt mục tiêu 11 - 30 % vào năm 2030.
Lãnh đạo Tập đoàn TTC và các đối tác chiến lược cũng bàn về năng lực, tâm huyết và định hướng của các bên về kế hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời. Trong đó, TTC trình bày chiến lược mở rộng quy mô hoạt động, phát triển theo các chuẩn mực quốc tế của ngành năng lượng. Theo đó, đẩy mạnh đầu tư nguồn năng lượng sạch và thực hiện thí điểm mô hình điện gió, điện mặt trời tại một số địa phương tiềm năng bên cạnh việc đầu tư cho thủy điện.
Theo ông Thái Văn Chuyện - Tổng Giám đốc Tập đoàn TTC, TTC đã lên kế hoạch triển khai 20 dự án điện mặt trời tại Tây Ninh (324MW), Bình Thuận (300MW), Ninh Thuận (300MW), Huế (30MW), Gia Lai (49MW). Dự kiến, các dự án này bắt đầu khởi công vào quý IV năm 2017, tập đoàn TTC góp 30% vốn.
Đến năm 2020, TTC dự tính đạt công suất 1.000 MW điện mặt trời, 40MW điện gió - chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của Tập đoàn, còn lại là 222MW thủy điện chiếm 16% và nhiệt điện 150MW chiếm 11%, đáp ứng mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu ngành năng lượng xanh, đảm bảo định hướng phát triển bền vững và ổn định an ninh năng lượng quốc gia.