Thanh toán không dùng tiền mặt: Vẫn chưa tự tin khi ra đường không có tiền mặt!

(PLVN) - Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, mặc dù đến nay đã có nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhưng ông không thể tự tin ra đường mà trong túi không có tiền bởi còn rất nhiều thứ phải có tiền mặt mới mua được… 
Toàn cảnh Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp”
Toàn cảnh Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp”

Chưa được như kỳ vọng

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016- 2020 đưa ra là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Tại Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp (DN)” do Tạp chí Diễn đàn DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 26/8, tuy không đưa ra cụ thể con số này đến thời điểm hiện tại là bao nhiêu, song đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN thừa nhận: “Mặc dù thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt, thanh toán điện tử…”.

Theo chuyên gia tài chính- ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, không phải vấn đề TTKDTM mới được đề cập tại Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ mà từ năm 2012, Việt Nam đã có Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM. “Sau gần 10 năm, mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn, nhưng chúng ta vẫn là nền kinh tế tiền mặt, 80% chi tiêu người dân vẫn là tiền mặt!”- Chuyên gia này quả quyết.

Ông cho biết, mặc dù trong túi ông có thẻ ngân hàng hay mã QR Code nhưng ông chưa tự tin ra đường mà trong túi không có tiền mặt, bởi rất nhiều thứ phải tiêu bằng tiền, từ ăn sáng, ăn trưa, uống nước, đổ xăng hay mua sắm nhỏ lẻ… 

Dẫn số liệu của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, trong số gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, mặc dù có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu TTKDTM như kỳ vọng.

“Covid-19 đang bước vào giai đoạn thứ hai, chúng ta cũng chưa biết bao giờ có thể khống chế dịch bệnh này, do đó, không có cách nào khác là phải thay đổi nhanh hơn, chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho kinh doanh bền vững trong bối cảnh sẽ phải sống chung với đại dịch”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Có đến 86% người mua hàng vẫn thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch mua sắm qua mạng.
Có đến 86% người mua hàng vẫn thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch mua sắm qua mạng. 

Lúng túng trong triển khai

Là một trong số DN tiên phong trong việc khai TTKDTM, ông Đinh Thanh Sơn -  Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty CP bưu chính Viettel (Viettel Post) cho biết, Viettel Post đã triển khai TTKDTM từ năm 2016 với thời điểm sơ khai của hoạt động mua sắm qua mạng. Khi đó, 95% khách hàng của Viettel Post sử dụng phương thức thanh toán dùng tiền mặt. DN đã đưa ra nhiều giải pháp thay đổi phương thức thanh toán này như giảm cước vận chuyển đến 20-30% khi TTKDTM. Sau 4 năm triển khai, đã có 30% số khách hàng TTKDTM, còn khoảng 70% khách hàng vẫn sử dụng phương thức thanh toán tiền mặt.

“DN rất mong muốn được TTKDTM vì nhân viên đi thu tiền rất sợ bị “bom hàng”, bị cướp và thực tế đã xảy ra. Nhưng hiện đang có một số vấn đề khó khăn mà bản thân DN không xử lý được..”- ông Sơn chia sẻ.

Theo DN này, có một thực tế hiện nay là nếu thanh toán điện tử thì mất phí cao, trong khi thanh toán tiền mặt không mất phí. Thêm vào đó, với trường hợp thanh toán bằng ví điện tử, đang có các QR Code khác nhau cho hệ thống các ví điện tử khác nhau mà không thể thanh toán chéo, gây khó khăn cho TTKDTM.

Đại diện Viettel Post cũng chia sẻ, DN này đang nghiên cứu hệ thống thanh toán tạm giữ để người mua và bán tin tưởng nhau hơn, tạo tin cậy cho mua sắm online, giúp hoạt động mua sắm điện tử phát triển hơn…

Nhắc lại những kết quả sau 4 năm triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc đã thẳng thắn chỉ ra một thực tế là hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTKDTM ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng.

“Hiện nay, các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, vừa gây lãng phí, vừa không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Đặc biệt, về môi trường pháp lý, Chủ tịch VCCI nhận định, dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành. Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; Vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo...

“Điều này khiến TTKDTM ở Việt Nam chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi, nhất là khối DN…”- Chủ tịch VCCI lý giải.

Ông đề nghị cần có những nỗ lực mới cả ở tầm chính sách và tạo lập hạ tầng để thúc đẩy phát triển TTKDTM ở Việt Nam nói chung và TTKDTM trong DN nói riêng. 

Không cần đến 2 năm để thử nghiệm

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta đã đi một đoạn đường rất dài với mong muốn chuyển đổi nền kinh tế từ sử dụng tiền mặt là chủ yếu thành nền kinh tế phi tiền mặt, nhưng sau hơn 10 năm triển khai, vẫn chưa đạt được kỳ vọng khi số giao dịch dùng tiền mặt vẫn là 80%.

Chuyên gia này cho rằng, trong giai đoạn mới cần có những quyết tâm mới, thực chất hơn, mạnh bạo và dấn thân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro từ phía Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước.

 

"Tôi biết NHNN đã xây dựng dự thảo trình Chính phủ chương trình thử nghiệm có kiểm soát thanh toán phi tiền mặt với Fintech, trong đó có P2P Lending. Có thể Chính phủ sẽ ban hành một chương trình thử nghiệm thanh toán điện tử hiện đại vào đầu năm 2021 và thời gian thử nghiệm có thể lên tới 2 năm. Tuy nhiên, như vậy cũng chỉ mới ở bước thử nghiệm, còn chưa bước chân vào quy định pháp luật. Điều này là quá thận trọng! Tôi mong chương trình này sẽ được ban hành sớm vào quý 4/2020 và thử nghiệm chỉ cần 1 năm để quan sát, sau đó là đưa ra những quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn…”- ông Hiếu nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ hy vọng, với sự quyết liệt của Chính phủ trong thời gian tới, chậm nhất tới năm 2025, 80% dân số Việt Nam sẽ có tài khoản ngân hàng và chỉ còn 40% là giao dịch bằng tiền mặt.

Đọc thêm