Thanh tra hóa học bắt đầu điều tra tại Syria

(PLO) - Các thanh tra của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 15/4 đã bắt đầu cuộc điều tra tại thị trấn Douma của Syria.
Một binh sỹ Syria kiểm tra một tòa nhà đổ nát sau cuộc không kích của Mỹ và các nước đồng minh
Một binh sỹ Syria kiểm tra một tòa nhà đổ nát sau cuộc không kích của Mỹ và các nước đồng minh

AFP dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Syria Ayman Soussan cho biết nhóm điều tra của OPCW đã tới Damascus hôm 14/4 và việc điều tra được chính thức bắt đầu tại Douma trong ngày 15/4. Nhóm chuyên gia của OPCW có trụ sở tại The Hague, Hà Lan sẽ tiến hành điều tra về sự thực vụ tấn công bị tố là bằng vũ khí hóa học xảy ra tại Douma hôm 7/4 vừa qua.

Ông Soussan cũng tái khẳng định cam kết của Chính phủ Syria rằng các chuyên gia hóa học sẽ được điều tra mà không bị ngăn cản. “Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng họ có thể làm một cách chuyên nghiệp, khách quan, công bằng và không bị bất cứ áp lực nào”, Thứ trưởng Ngoại giao Syria nhấn mạnh.

Các cường quốc phương Tây cho rằng các chất hóa học, có thể là chlorine và sarin đã được sử dụng trong vụ tấn công khiến ít nhất 40 dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, Chính phủ Syria và Nga đã bác bỏ thông tin này. 

Vụ tấn công chính là lý do để Mỹ và Anh, Pháp tiến hành không kích Syria sáng 14/4. Theo AFP, những tiếng nổ lớn và tiếng gầm của các máy bay chiến đấu đã vang lên khắp thủ đô Damascus của Syria trong vòng khoảng 45 phút. Quân đội Mỹ tuyên bố các mục tiêu được nhắm tới là một cơ sở nghiên cứu khoa học gần Damascus, 2 cơ sở vũ khí hóa học ở ngoại ô thành phố Homs.

“Một cuộc không kích hoàn hảo đã được tiến hành đêm qua. Kết quả không thể tốt hơn. Nhiệm vụ đã hoàn thành”, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội sáng 14/4. Giới chức Mỹ cho hay chiến dịch không kích có sự tham gia của 3 tàu khu trục Mỹ, 1 tàu khu trục Pháp và 1 tàu ngầm của Mỹ. Các tàu này đã được điều đến Biển Đỏ, Vùng Vịnh và phía Đông Địa Trung Hải. Tham gia chiến dịch không kích còn có các máy bay chiến đấu Tornado và Typhoon của Anh, máy bay ném bom B-1 của Mỹ và máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. 

Tổng cộng, Mỹ, Anh và Pháp đã phóng 105 tên lửa tới Syria. Đây là hành động quân sự nước ngoài lớn nhất nhằm vào Chính phủ Syria từ trước đến nay. Các mục tiêu tấn công của Mỹ và đồng minh dường như đã cố tình tránh những khu vực có người hay thiết bị của Nga tại Syria. Quân đội Nga tuyên bố hệ thống phòng không của Syria đã đánh chặn được 71 tên lửa của phương tây nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ đã bác bỏ thông tin này, tuyên bố tất cả các tên lửa đều đã bắn trúng mục tiêu.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố hành vi gây hấn của Mỹ và các nước đồng minh sẽ chỉ khiến Syria và người dân nước này có thêm quyết tâm để chiến đấu và đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Iran cũng đã lên án vụ tấn công. Tại Hy Lạp, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối vụ không kích của Mỹ và đồng minh.

Còn ở Anh, Thủ tướng Theresa May đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ phe đối lập vì đã tiến hành không kích mà không tham khảo ý kiến của Quốc hội. Tại Mỹ, các nhà làm luật đối lập cũng đã cảnh báo Tổng thống Donald Trump về việc các chiến dịch quân sự có quy mô lớn hơn sẽ cần phải có tầm nhìn chiến lược được xây dựng kỹ lưỡng và được sự cho phép của Quốc hội. 

Ngày 14/4, theo yêu cầu của Nga, Hội đồng bảo an LHQ đã tiến hành cuộc họp thứ 5 về Syria kể từ sau vụ tấn công ở Douma. Tuy nhiên, tại cuộc họp, dự thảo nghị quyết lên án cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp do Nga soạn thảo đã không được thông qua. “Tại sao các vị không đợi đến khi có kết quả của cuộc điều tra mà chính các vị kêu gọi tiến hành?”, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đặt câu hỏi sau cuộc bỏ phiếu. Ông Nebenzia cho rằng hành động của Mỹ, Pháp và Anh cho thấy sự coi thường luật pháp quốc tế.

Trước đó, Hội đồng bảo an LHQ cũng đã không thể thông qua 3 dự thảo nghị quyết về vụ việc. Trong bài phát biểu tại Hội đồng bảo an LHQ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã thúc giục tất cả các nước kiềm chế trong hoàn cảnh nguy hiểm như hiện nay và tránh bất kỳ hành động nào có thể khiến vấn đề leo thang, làm tồi tệ thêm những khổ đau của người dân Syria. 

Sau vụ không kích, Mỹ và các đồng minh cũng đang có xu hướng quay trở lại các biện pháp ngoại giao. Một dự thảo nghị quyết chung do 3 nước soạn thảo dự kiến sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội đồng bảo an LHQ trong ngày hôm nay (16/4). Trong số những đề xuất được nêu trong dự thảo có việc thiết lập một cuộc điều tra độc lập để điều tra về các vụ tấn công tại Syria nhằm xác định thủ phạm.

Đọc thêm