Các nội dung được tập trung thảo luận gồm: Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, cả năm dự kiến vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD.
Nhờ kinh tế xã hội phát triển ổn định, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng hơn 240 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015.
GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. Lãnh đạo Chính phủ nói, nếu tính theo ngang giá sức mua (PPP) thì thu nhập đầu người năm 2018 ước đạt 7.640 USD, với mức tăng bình quân 6% hàng năm, đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 8.580 USD.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ thừa nhận kinh tế - xã hội năm 2018 vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế; sự nổi lên mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những tác động ngày càng rõ nét tới các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, những mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, mạng internet, mạng xã hội,... đã làm nảy sinh thêm nhiều khó khăn, thách thức.
Dự án hơn 34.000 tỷ đồng, vài cơn mưa đã hỏng!
Đánh giá chung về tình hình kinh tế, xã hội, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhận định, trong 9 tháng của năm 2018, nền kinh tế, xã hội nước ta đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Tuy nhiên theo ông, cử tri còn nhiều tâm tư, băn khoăn, lo lắng về vấn nạn thất thoát, lãng phí đầu tư công còn lớn.
Ông Cầu nêu thực tế: “Nếu như đầu nhiệm kỳ các ĐBQH lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ của Bộ Công Thương thì bây giờ lại phát sinh nhiều dự án thất thoát lãng phí do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Điển hình như Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng. Dự án Cát Linh - Hà Đông đã điều chỉnh tăng thêm 205,7% vốn, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động.
Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tăng 47.000 tỷ), dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018, mới hoàn thành 52% khối lượng công việc”, ông Cầu nêu thực tế.
Theo tính toán, Bộ GTVT có 27/42 dự án phải điều chỉnh tăng thêm vốn. Cứ điều chỉnh vốn, chậm đưa vào sử dụng thì sẽ thất thoát, lãng phí là nhiều vô kể”.
“Đề nghị Quốc hội cần xử lý nghiêm việc này, nhất là khi Bộ này chuẩn bị làm các dự án lớn như Cao tốc và sân bay Long Thành, với số vốn hàng triệu tỷ đồng, thì thất thoát lãng phí là điều khó tránh khỏi”, ông Cầu nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) |
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, hiện tại đất nước khởi sắc, vận nước đang lên, thành tích là khá toàn diện. Nhưng trong tất cả các lĩnh vực đều có những lĩnh vực chưa an tâm.
Ví như đầu tư FDI nhiều công nghệ cũ, giải ngân thấp, ô nhiễm môi trường. Về y tế, cơ bản khống chế được các dịch bệnh, nhưng vẫn có nhiều điều đáng bán. Lúc nào chúng ta cũng có dịch, rộ lên nữa, công tác phòng chống dịch còn yếu kém. Điển hình như năm qua có 23.000 cháu bị chân tay miệng. Tỷ lệ BHYT khá cao nhưng không thực chất, bao phủ cao, nhưng diện lại không đầy đủ.
ĐB Trí đề nghị, cần bổ sung thêm một số chỉ tiêu khác trong báo cáo của Chính phủ như biển, du lịch, giáo dục đào tạo, nhất là các chỉ tiêu về y tế như dịch bệnh, y tế dự phòng.