Thấu hiểu và tận tâm

(PLVN) -  Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hạn chế những mặt trái của phân hóa giàu nghèo. Đồng thời, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.
Ảnh minh họa

Ngay sau đổi mới, tại Hội nghị Trung ương 5, khóa VII (1992), Đảng ta đề ra chủ trương: "Phải trợ giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, hình thành quỹ xóa đói giảm nghèo ở từng địa phương trên cơ sở giúp dân và tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo". Từ đó đến nay, Văn kiện Đại hội Đảng khóa nào cũng quan tâm đến xóa đói giảm nghèo (XĐGN).

Giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội luôn được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng và thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ. Cách đây 20 năm, ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết. 63 tỉnh, thành phố chủ động ban hành bổ sung nhiều chính sách đặc thù lĩnh vực giảm nghèo trên địa bàn để hỗ trợ người nghèo.

Tìm lời giải bài toán về giảm nghèo cũng là một trong các nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Ngày 28/7/2021, Quốc hội có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, để XĐGN, Đảng và Nhà nước đã có Nghị định 78/NĐ-CP ngày 4/10/2002 về tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trong suốt quá trình 20 năm thực hiện Nghị định 78/NĐ-CP, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, XĐGN và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, được nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

XĐGN là công việc của cả trí tuệ và trái tim; "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ".

Đọc thêm