Thay đổi chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 1/7

(PLO) - Từ ngày 1/7/2017, Nghị định 47/2017/NĐ-CP có hiệu lực, mức lương cơ sở áp dụng đối với công chức, viên chức, cán bộ tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng (tương đương 7,4%) sẽ kéo theo nhiều chính sách đãi ngộ cho người lao động thay đổi như nâng lương công chức, viên chức; tăng lương hưu; tăng phí bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình; tăng trợ cấp thai sản;...
Từ ngày 1/7/2017, trợ cấp thai sản tăng 7,4%

Tăng lương và công tác phí đối với cán bộ, công chức, viên chức

Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP, sẽ có 9 nhóm đối tượng được xếp hưởng mức lương, phụ cấp. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác nhau như mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật, tính các khoản trích và các chế độ,…

Theo đó, từ 1/7/2017, hàng loạt mức công tác phí, phụ cấp lưu trú, thanh toán theo thực tế, thanh toán công tác phí theo tháng,... mới sẽ được tăng thêm theo Thông tư 40/2017/TT-BTC do Bộ Tài Chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực.

Theo Thông tư này, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ,...

Cụ thể, mức phụ cấp lưu trú để trả cho người đi công tác: 200.000 đồng/ngày. Trường hợp đi công tác trong ngày (đi và về trong ngày) thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí: Căn cứ theo số giờ thực tế đi công tác trong ngày, theo thời gian phải làm ngoài giờ hành chính (bao gồm cả thời gian đi trên đường), quãng đường đi công tác và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú: 250.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho cả những ngày làm việc trên biển, đảo, những ngày đi, về trên biển, đảo). Trường hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ chi bồi dưỡng khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú hoặc chi bồi dưỡng) để chi trả cho người đi công tác.

Đối với thanh toán theo hình thức khoán thì Lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên, mức khoán: 1.000.000 đồng/ngày/người, không phân biệt nơi đến công tác; Còn các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn lại sẽ tính theo mức: Nếu đi công tác ở quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh, mức khoán: 450.000 đồng/ngày/người; Đi công tác tại huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, tại thị xã, thành phố còn lại thuộc tỉnh, mức khoán: 350.000 đồng/ngày/người; còn đi công tác tại các vùng còn lại, mức khoán: 300.000 đồng/ngày/người.

Tăng 7,4% trợ cấp thai sản 

Cũng từ ngày 1/7, việc điều chỉnh lương cơ sở cũng nâng mức trợ cấp một lần sinh con hoặc nhân nuôi con nuôi (trợ cấp thai sản) tăng khoảng 7,4% so với hiện hành.

Tại Điều 39, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có quy định về việc trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi. Cụ thể, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận con nuôi.

Đối với trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì người cha được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Mức trợ cấp thai sản được điều chỉnh tăng 7,4%.

Tăng mức phí hộ gia đình tham gia BHYT

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức tham gia BHYT hộ gia đình được xây dựng trên “nền” lương cơ sở. Cụ thể, tại điểm G Khoản 1 Điều 2 của Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm Y tế có nêu “người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ đóng phí BHYT theo tháng ở mức 4,5% lương cơ sở. Từ người thứ hai tới thứ tư, mức phí sẽ lần lượt bằng 70%, 60% và 50% mức tham gia của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi, mức tham gia chỉ còn 40% mức tham gia của người thứ nhất, như vậy sẽ tăng thêm khoảng 7,3% mức phí tham gia BHYT hộ gia đình”. Theo đó, việc lương cơ sở tăng lên 1.300.000 đồng đồng nghĩa với việc mức phí tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng tăng thêm khoảng 7,3%.

Tăng mức đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện

Vừa qua, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn 2159/BHXH-BT hướng dẫn mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thu BHXH, BHYT, BHTN theo mức lương cơ sở mới.

Theo đó, mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng sẽ là căn cứ tính mức lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN từ ngày 1/7/2017.

Đối tượng áp dụng là người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 47/2017/NĐ-CP. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2, Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH năm 2014…

Ngoài ra, mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện để tính mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1/7/2017 cũng thay đổi: Mức cao nhất là 26.000.000 đồng/tháng (1.300.000 đồng/tháng x 20 lần).

Đọc thêm