Thay đổi nhận thức và hành động để xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 cả nước bắt đầu bước vào học bộ sách giáo khoa mới với 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và 1 bộ sách của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. 
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy trong một phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội khóa XIV.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy trong một phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội khóa XIV.

Sau thời gian thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, dư luận vẫn “nóng” bởi các vấn đề như: Lỗi sai của 5 bộ sách, giá sách giáo khoa không có sự đồng nhất, lùm xùm trong hoạt động phát hành ở một số địa phương... 

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, là người đã có những ý kiến đóng góp sâu sắc trên diễn đàn Quốc hội về giáo dục. 

Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIV sắp bế mạc, bà có cảm xúc gì khi sắp hoàn thành nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa này?

- Quốc hội khoá XIV sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng bảy tới, khi Quốc hội khoá mới bắt đầu nhận nhiệm vụ. Từ nay đến đó, tuy không còn kỳ họp nào của Quốc hội nữa, nhưng các đại biểu vẫn phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình. Nhìn lại 5 năm qua, tôi tin rằng cử tri cả nước hài lòng với hoạt động tích cực, hiệu quả của Quốc hội và nhiều đại biểu của mình. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn thấy còn nhiều trăn trở.

Một số điều, tôi đã phát biểu trong phiên thảo luận Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ. Nhờ nỗ lực và những quyết sách đúng đắn trong điều hành của Chính phủ, kinh tế Việt Nam 5 năm qua đã khởi sắc và trở thành một trong số rất ít nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bất chấp những khó khăn to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Là một đại biểu Quốc hội, tôi cũng đánh giá cao công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ. Đây là khoá đầu tiên Chính phủ không để xảy ra tình trạng nợ đọng nghị định, thông tư.

Tuy nhiên, những vấn đề lớn về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, quản lý tài nguyên, công sản, kỷ luật kỷ cương vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ. Vì vậy, tôi đã dành phần lớn thời gian phân tích những vấn đề này, với mong muốn Trung ương, Quốc hội, Chính phủ khoá tới quan tâm giải quyết. Tiếc rằng thời gian phát biểu chỉ có 7 phút nên tôi chưa nêu được những vấn đề khác, như đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.  

Theo bà, muốn hoàn thành các mục tiêu đã được đề ra ở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 thì điều cần quan tâm hàng đầu là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bởi chính thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ là lực lượng để thực hiện mục tiêu đó?

- Đúng như vậy. Trung ương đã có Nghị quyết 29 ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhưng cho đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 29 mới chỉ tập trung vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông. Ngay việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông theo Nghị quyết 88 ngày 28/11/2014 cũng có nhiều lúng túng. 

Nghị quyết 88 quy định: “Thực hiện xã hội hoá biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”, đồng thời cũng quy định “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn”. 

Do triển khai chậm, Bộ GD&ĐT không thực hiện được việc tổ chức biên soạn bộ SGK mà Nghị quyết của Quốc hội đã giao. Còn về xã hội hoá biên soạn SGK, mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ sung nhiệm vụ biên soạn SGK cho 6 nhà xuất bản (NXB) ngoài NXB Giáo dục Việt Nam, nhưng đến nay mới chỉ có NXB Đại học Sư phạm và NXB Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty VEPIC biên soạn, xuất bản, phát hành được bộ SGK Cánh Diều, hoàn toàn làm bằng vốn xã hội, có đầy đủ SGK của tất cả các môn học. 

Có lẽ các tổ chức, cá nhân khác chưa vào cuộc vì còn đang chờ xem số phận của những quyển SGK xã hội hoá như thế nào. Báo chí gần đây phản ánh một số hiện tượng có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh và thái độ thờ ơ của Bộ GD&ĐT. Như vậy thì khó có thể tạo niềm tin để huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK phục vụ cho đổi mới giáo dục. 

Không ít người lo rằng việc có nhiều SGK cho mỗi môn học sẽ dẫn đến tình trạng “loạn SGK”, gây khó khăn cho việc học, việc dạy, việc chỉ đạo, quản lý. Bà có ý kiến gì về điều này?

- Xã hội hoá biên soạn SGK là nhằm huy động nguồn lực bao gồm trí lực, tài lực, vật lực của xã hội, tạo ra một cuộc thi đua giữa các tổ chức, cá nhân làm SGK để không ngừng nâng cao chất lượng SGK, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. 

Từ đổi mới đến nay, xã hội hoá đã được thực hiện ở nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng thành công, mang lại những thay đổi quan trọng trong phát triển đất nước và cải thiện đời sống nhân dân. Ngay trong lĩnh vực xuất bản, sự tham gia của các nhà sách tư nhân dưới hình thức liên kết với các NXB đã làm thay đổi hẳn diện mạo của thị trường sách Việt Nam. Không có lý gì lĩnh vực biên soạn SGK không thực hiện được xã hội hoá. 

Nhưng để thực hiện được chủ trương này, nhận thức và hành động của xã hội, trước hết là của các nhà quản lý, các thầy, các cô phải thay đổi. Tôi được biết, hiện nay có một số địa phương chủ trương chỉ chọn một quyển SGK cho mỗi môn học, thậm chí chỉ chọn một bộ SGK sử dụng ở địa phương mình cho dễ chỉ đạo, quản lý, tổ chức thi cử. Điều đó thể hiện tư duy rất cũ về chỉ đạo, quản lý giáo dục, trái với tinh thần và lời văn của Nghị quyết 88 và của Luật Giáo dục. 

Tôi được biết, ở các nước phát triển và nhiều nước khác, giáo viên là người quyết định lựa chọn SGK, chứ không phải nhà trường hay cấp chính quyền. Thậm chí, giáo viên cũng không dạy hẳn theo một quyển SGK nào. Căn cứ yêu cầu của chương trình và đặc điểm của học sinh trong lớp, giáo viên có thể dạy bài 1 theo quyển sách này, bài 5 theo quyển sách khác. Như vậy mới thật đúng là thực hiện “một chương trình, nhiều SGK”.

 Việc đánh giá học sinh phải dựa vào chuẩn (yêu cầu cần đạt) của chương trình, chứ không dựa vào việc học sinh thuộc nội dung quyển sách nào. Nếu các nhà quản lý làm đúng tinh thần ấy thì giáo viên sẽ được “cởi trói” để sáng tạo, phụ huynh học sinh và xã hội sẽ yên tâm; những quan ngại về hiện tượng “đi cửa sau”, cạnh tranh không lành mạnh cũng sẽ được giải tỏa.   

Như vậy thì những vấn đề đặt ra cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ tới cũng rất nặng nề?

- Từ trước đến nay tôi chưa thấy Bộ trưởng nào của Bộ GD&ĐT được tiếp thu một “gia tài” xuôi chèo mát mái, không có áp lực nặng nề cả. Nhưng tôi tin là khi đã nhận ra được những hạn chế và xác định đúng nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế đó, ngành Giáo dục sẽ tìm được giải pháp khắc phục để đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xin cảm ơn đại biểu về cuộc trò chuyện này.

Đọc thêm