Thay đổi quy chế để hướng đến thể thao đỉnh cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cục Thể dục thể thao (TDTT), Bộ VH,TT&DL đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển chọn vận động viên, huấn luyện viên (VĐV, HLV) và thành lập đội tuyển quốc gia.
 Các VĐV Việt Nam giành HCV SEA Games 32. (Nguồn ảnh: Cục TDTT)
Các VĐV Việt Nam giành HCV SEA Games 32. (Nguồn ảnh: Cục TDTT)

Năm 2024 được xem là năm quan trọng có tính chất bản lề để ngành Thể thao chuẩn bị lực lượng VĐV hướng đến các đấu trường thể thao thành tích cao các năm tiếp theo. Do đó, việc lấy ý kiến xây dựng văn bản mới nhằm thay thế Văn bản 1377/2004/QĐ-UBTDTT để phù hợp với điều kiện, xu hướng phát triển thực tiễn của thể thao trong nước và thể thao quốc tế được xem là yêu cầu cần thiết, phải gấp rút hoàn thành.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Trưởng Phòng thể thao thành tích cao 1, đại diện tổ soạn thảo cho biết đã báo cáo chi tiết về các điều khoản dự kiến thay đổi, điều chỉnh cũng như đưa thêm các đề xuất mới vào bản dự thảo quy chế tuyển chọn VĐV, HLV, thành lập đội tuyển thể thao quốc gia.

Theo đó, các nội dung chính dự kiến điều chỉnh lần này được tập trung vào các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chuyên môn đối với VĐV, HLV khi được gọi lên đội tuyển quốc gia, cũng như việc thành lập các đội tuyển quốc gia đi tập huấn và thi đấu.

Trước các vấn đề này, ý kiến từ các thành viên chuyên môn cho rằng, việc sớm ban hành văn bản mới để thay thế quy định cũ đã ban hành cách đây 10 năm là rất cấp thiết. Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh, xây dựng văn bản mới, tổ soạn thảo cần bám sát các điều khoản trong Luật Thể dục, thể thao. Như vậy, dự thảo mới nếu được ban hành sẽ là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch tuyển chọn quân số VĐV đỉnh cao để xây dựng lực lượng lâu dài.

Theo kế hoạch dự kiến, Cục TDTT sẽ thực hiện việc xây dựng kế hoạch tuyển chọn ba nhóm VĐV cơ bản gồm: Nhóm thứ nhất (nhóm VĐV tập huấn dài hạn ở nước ngoài, khoảng 30 tuyển thủ xuất sắc, có khả năng tranh chấp HCV ASIAD 20 và đạt chuẩn tham dự Olympic từ 05 đến 06 môn thể thao trọng điểm). Nhóm thứ hai (nhóm tuyển thủ kết hợp tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu dài hạn ở nước ngoài theo chế độ đặc thù huy chương ASIAD các môn đã bao gồm các môn trong nhóm SEA Games, ASIAD và Olympic). Nhóm thứ ba (nhóm tuyển thủ tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu ngắn hạn ở nước ngoài theo chế độ hiện hành và các nguồn xã hội hóa được quan tâm).

Nhóm tuyển thủ trọng điểm hướng tới khả năng tranh chấp huy chương ASIAD 20 năm 2026 và dự báo đạt chuẩn Olympic năm 2024, Olympic năm 2028 được ưu tiên cao nhất nhận mọi đầu tư, trong đó có các kế hoạch tập huấn, thi đấu dài hạn ở nước ngoài tại nơi có sự phát triển ở nội dung và môn thể thao đó.

Việc hoàn thiện dự thảo cũng góp phần thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/1/2024 về phát triển TDTT trong giai đoạn mới vừa được Bộ Chính trị ban hành. Trong đó, một trong những nội dung được đề ra cụ thể với thể thao thành tích cao là: “Tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, hoàn thiện hệ thống phát hiện, đào tạo VĐV, thi đấu thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao trình độ quốc gia, quốc tế, nhất là các môn thể thao Olympic trọng điểm”.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đề nghị tổ soạn thảo dự thảo quy chế tuyển chọn VĐV, HLV và thành lập đội tuyển quốc gia tiếp thu các ý kiến đóng góp bổ ích từ các thành viên dự họp, từ đó hoàn thiện dự thảo bảo đảm đúng theo quy định, bám sát Luật TDTT. Cục trưởng yêu cầu các đơn vị chuyên môn phải phối hợp chặt chẽ với tổ soạn thảo để bản dự thảo văn bản sớm được hoàn thiện, ban hành và đi vào áp dụng thực tiễn trong thời gian sớm nhất.