Sản lượng điện truyền tải, quy mô đường dây, dung lượng các trạm biến áp (TBA)… là những gạch ngang cơ bản để truyền tải điện các quốc gia thi thố, xếp hạng quốc tế. EVNNPT sau hơn chục năm thành lập đã gầy dựng, quản lý một khối tài sản đủ lớn để có thể “nói chuyện” với nhóm các quốc gia hàng đầu châu Á.
Một thông kê kỹ thuật mới đây cho biết, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành, trong cả nước; kết nối với cả lưới truyền tải của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Tới cuối 2019, EVNNPT đang quản lý, vận hành hơn 150 TBA có tổng dung lượng 94.219 MVA. EVNNPT cũng đang có trong tay trên 2,5 vạn km đường dây, trong đó có 8.046 km đường dây 500 kV, 17.255 km đường dây 220 kV... Đó thực sự là những con số tăng trưởng vượt bậc sau gần 12 ra đời EVNNPT.
“Năm 2019, EVNNPT đã truyền tải an toàn sản lượng điện 199,306 tỷ kWh. Đặc biệt, năm qua, tổn thất điện năng trên hệ thống truyền tải điện quốc gia đạt con số 2,15% - thấp nhất 11 năm qua. Ngoài ra, 60% TBA 220 kV đã chuyển sang vận hành theo tiêu chí không người trực”, Chủ tịch EVNNPT Đặng Phan Tường thông tin và cho hay, kết quả đó là công sức của hàng vạn người lao động trong màu áo Truyền tải khắp mọi miền đất nước.
Được biết, trong Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, có định hướng đến năm 2020 EVNNPT sẽ trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu ASEAN. Năm 2025, trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á. Năm 2030, đạt trình độ đạt chuẩn tiên tiến trên thế giới.
Để chinh phục được những cột mốc này, trong Thông điệp Xuân Canh Tý, Chủ tịch EVNNPT nhấn mạnh với người lao động rằng, Truyền tải điện Quốc gia sẽ tập trung sức lực ở mức độ cao nhất để xây dựng lưới điện thông minh; giảm sự cố và giảm tổn thất điện năng; đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án thuộc đường dây 500 kV mạch 3…
Công nhân EVNNPT ứng dụng FlyCam để bay kiểm tra đường dây cao áp. |
Tuy nhiên, trên hành trình đó, điều khó khăn nhất EVNNPT phải đối mặt chính là nguồn nhân lực. Vì lĩnh vực này đang đòi hỏi một đội ngũ trẻ, đủ sức sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào truyền tải nhằm góp phần tăng năng suất lao động. Một lưới điện thông minh, tới đây sẽ không phải là nơi làm việc của những người yếu ngoại ngữ, không chịu cập nhật xu thế mới của công nghệ thế giới…
Chính vì điều này mà năm 2019 đã chứng kiến sự hình thành của nhiều đề án quan trọng để hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường chất lượng nguồn nhân lực của EVNNPT.
Cụ thể, Đề án Sắp xếp lại các Truyền tải điện thuộc các Công ty Truyền tải điện có nội dung chia lại phạm vi quản lý của các Truyền tải điện để hoạt động hiệu quả. Đề án Nâng cao năng lực các Công ty Truyền tải điện với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý vận hành; xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân quản lý vận hành chuyên nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện TBA không người trực. Đề án Nâng cao năng lực Công ty Dịch vụ Kỹ thuật truyền tải điện để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thành viên nói trên.
“Năm 2020, sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc trong Chiến lược phát triển EVNNPT và các Chiến lược thành phần theo lộ trình. Đảm bảo hoàn thành mục tiêu chiến lược năm 2020, EVNNPT trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu ASEAN”, Chủ tịch EVNNPT Đặng Phan Tường “chốt” trong Thông điệp gửi người lao động trước thềm Xuân.
Xếp hạng tín nhiệm của EVNNPT bằng công ty mẹ - EVN
EVNNPT đã đượcFitch Ratings (một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất trên thế giới) công bố xếp hạng tín nhiệm ở mức BB ngang bằng công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam; xếp hạng tín nhiệm độc lập của EVNNPT đạt mức BB+.
Với kết quả xếp hạng này, EVNNPT có thể củng cố mức độ tín nhiệm và tăng cường tính minh bạch, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho EVNNPT đa dạng hóa các nguồn tài chính và phát hành trái phiếu quốc tế.