Cao Bằng: Đìu hiu làng nghề làm ngói máng

(PLO) - Nghề làm ngói máng của người dân tộc Nùng An ở xã Tự Do, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) đã xuất hiện từ lâu đời. Nghề truyền thống độc đáo này từng làm giàu cho các hộ dân thuộc 3 xóm Kéo Rỏn, Lũng Rì, Lũng Cát. Thế nhưng, những năm nay do sự xuất hiện của nhiều loại vật liệu hiện đại cộng thêm nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm đã khiến những hộ dân nơi đây lao đao, bế tắc, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ không còn chỗ đứng như trước đây.
Những ngôi nhà sàn được lợp bằng ngói máng là hình ảnh thường thấy ở vùng cao
Những ngôi nhà sàn được lợp bằng ngói máng là hình ảnh thường thấy ở vùng cao

Theo quốc lộ 3 cách cửa khẩu Tà Lùng rẽ vào xã Tự Do vài chục cây số, 3 làng ngói máng lừng danh gồm Lũng Rì, Kéo Rỏn, Lũng Cát của huyện Quảng Uyên lần lượt hiện ra với hàng trăm lò lớn nhỏ. Dọc theo hai bên đường những lán trại nằm san sát nhau với những hàng ngói máng thẳng đều tăm tắp đã nung xong.

Cạnh những lán trại là những lò ngói trông có vẻ đơn sơ đang nhả khói. Một số người thợ làm ngói đang dắt trâu để cùng dẫm đất cho nhão, cắt gọt những thớ đất thành hình chữ nhật nhỏ và đều nhau…

Nghề ngói máng ở Tự Do một thời làm ra sản phẩm không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm ngói làm ra có mẫu mã đẹp và chất lượng nên được bà con dân tộc rất ưa chuộng.

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, các sản phẩm gạch ngói cùng loại tiện dụng, giá thành lại rẻ đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường khiến cho các sản phẩm ngói làm bằng thủ công của người Nùng nơi đây bị mất dần vị trí. Vì thế, làng nghề làm ngói máng ở xã Tự Do hiện đang trên đà điêu đứng, tiêu thụ giảm mạnh.

Sản phẩm ngói máng sau khi nung xong nhìn rất đẹp mắt và chắc chắn
Sản phẩm ngói máng sau khi nung xong nhìn rất đẹp mắt và chắc chắn

Anh Lâm Văn Bào, Trưởng xóm Lũng Rì cho rằng, nghề làm ngói máng có từ thời tổ tiên đến đây sinh sống hàng trăm năm. Ngói máng ở Tự Do làm bằng thứ đất sét mịn, dẻo, phải đến xã Độc Lập mua mới có. Để làm ra sản phẩm bền đẹp, chất lượng tốt thì phải tốn nhiều thời gian, công sức bằng việc ủ đất đúng kỹ thuật, nung đủ thời gian trong lò 5 ngày 5 đêm và giữ cho lửa cháy đều. Trung bình mỗi hộ một năm làm được nhiều nhất 4 lò, mỗi lò được 16.000 viên, giá mỗi viên bán ra 1.200 đồng.

Nghề làm ngói đã từng giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình. So với những làng nghề khác, sản phẩm ngói máng của người Nùng An ở xã Tự Do làm ra ở đây có màu sắc đẹp và chất lượng tốt hơn nên một thời nơi đây trở thành địa điểm tấp nập khách ra vào. Thế nhưng, hai năm nay việc tiêu thụ ngói máng có xu hướng giảm mạnh, số hộ bỏ nghề ngày càng tăng. Bây giờ mỗi ngày trung bình gia đình tôi chỉ làm được mấy chục nghìn đồng, đấy là không tính thời tiết nắng mưa thất thường, có khi mưa cả tháng thì chỉ biết trông đợi vào cây ngô”.

Theo nhiều người dân nơi đây, để làm ra một lò ngói thì phải tiêu tốn mất vài xe ngựa củi đốt, người dân phải bỏ tiền ra hàng triệu đồng để mua từ chợ về. Đây là nguyên liệu có thể điều chỉnh được nhiệt độ trong từng giai đoạn khi nung lò nên không thể thay thế được. Các công đoạn làm ngói cũng hết sức phức tạp, để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh vô cùng công phu, đòi hỏi nhiều thời gian cũng như sự tỉ mỉ và kỳ công của người thợ. Điều này càng làm tăng thêm chi phí, khó khăn cho các chủ lò khi cạnh tranh với các loại ngói hiện đại hiện nay.

Khối đất hình trụ sẽ được cắt thành từng miếng mỏng vào tạo kiểu dáng
Khối đất hình trụ sẽ được cắt thành từng miếng mỏng vào tạo kiểu dáng

Ngói máng người Nùng An ở Tự Do thường bán theo từng đơn đặt hàng trước, khách hàng chủ yếu là các mái nhà sàn cổ, nhà cấp bốn của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nghề làm ngói máng không đem lại thu nhập ổn định. “Cả gia đình tôi từ vợ chồng đến con cái đều làm ngói, trước đây cả làng làm với quy mô lớn nên thu nhập cũng cao. Bây giờ mỗi ngày làm trung bình chỉ được vài chục ngàn đồng nhưng còn bấp bênh lắm, thời tiết thì nắng mưa thất thường, có khi mưa cả tháng thì bó tay. Nhưng là nghề truyền thống nên sống chết cũng phải duy trì thôi” - anh Trương Văn Ngọc, xóm Lũng Cát bộc bạch.

Theo anh Mạc Văn Tiền, Trưởng xóm Kéo Rỏn và cũng là một chủ lò ngói cho biết: “Điều làm chúng tôi lo lắng, khó khăn nhất hiện nay là làm sao tồn tại, duy trì được làng nghề, tìm ra thị trường tiêu thụ. Khách quan mà nói thì sản phẩm ngói máng ở đây có giá thành cao hơn các loại ngói hiện đại khác, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, chưa bắt thị hiếu của khách hàng. Làng nghề vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, không cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại.

Thứ nữa là còn gặp nhiều khó khăn vì sản xuất bằng phương pháp thủ công, vùng nguyên liệu chưa ổn định, xuất hiện nhiều sản phẩm ngói hiện đại cạnh tranh, sức mua hai năm nay đã giảm mạnh so với trước đây. Tuy nhiên, lạc quan mà nói sản phẩm truyền thống ngói của làng nghề vẫn mãi mãi tồn tại, phát triển. Bởi sản phẩm ngói máng của chúng tôi làm ra có chất lượng tốt, thời gian sử dụng lâu bền và an toàn”.

Việc bảo tồn và phát triển làng nghề ngói ở xã Tự Do không chỉ là băn khoăn, trăn trở của người dân nơi đây mà còn là câu hỏi chung cho nhiều làng nghề truyền thống trong cả nước hiện nay. Để tiếp tục phát triển và bảo tồn nghề truyền thống của tổ tiên, những thợ làm ngói cần cải tiến mẫu mã, tạo ra sản phẩm phong phú, chất lượng hơn mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, các cơ quan, ban ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ để vực dậy, tạo cho việc phát triển thương hiệu làng nghề ngói máng. Có như vậy, làng nghề thủ công truyền thống mới tồn tại và phát triển bền vững.

Đọc thêm