Để Nhà hát Lớn Hà Nội lại là 'thánh đường' của nghệ sĩ

(PLO) - Dù có nhiều buổi biểu diễn mỗi năm, nhưng thực tế Nhà hát Lớn Hà Nội trong thời gian qua vẫn thiếu vắng các chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật truyền thống, trong khi lại “tấp nập” với các chương trình ca nhạc hải ngoại, sự kiện, kỷ niệm của các doanh nghiệp. 
Nhà hát lớn Hà Nội.
Nhà hát lớn Hà Nội.

Di sản bị “biến dạng” công năng 

Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền, không xa hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

Dù có nhiều buổi biểu diễn mỗi năm, nhưng thực tế, Nhà hát Lớn Hà Nội trong thời gian qua vẫn thiếu vắng các chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật truyền thống. “Nhiều vở được huy chương vàng, bạc tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp ít cơ hội được diễn ở những địa điểm sang trọng như thế, lí do lớn nhất là do giá thuê không rẻ. Nhà hát Tuổi trẻ từng đưa vở kịch lịch sử “Công lý không gục ngã”, “Tất cả đều là con tôi” ra Nhà hát Lớn, tuy nhiên chỉ năm thì mười họa”, ông Trương Nhuận (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) chia sẻ. 

Một trở ngại khi các tác phẩm đặc sắc lại chỉ dám “mon men” ở bên ngoài Nhà hát lớn đó là mức thuê Nhà hát khá cao, dao động từ 35-45 triệu đồng/đêm. Giá thuê cao cộng thêm các tác phẩm đỉnh cao của sân khấu, ballet, nhạc cổ điển, nhạc kịch, tuồng, chèo, cải lương… lại “kén” khán giả làm “chùn” bước chân của các nhà tổ chức chương trình.

Dễ hiểu, tại sao, Nhà hát Lớn ít “đỏ đèn” với các chương trình nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật truyền thống, trong khi lại “tấp nập” với các chương trình ca nhạc hải ngoại, sự kiện, kỷ niệm của các doanh nghiệp. 

Khi người Pháp thiết kế và hoàn thành 1911, Nhà hát Lớn Hà Nội về bản chất vẫn là công trình hướng tới việc biểu diễn nghệ thuật cổ điển. Với số lượng chỉ 600 chỗ, Nhà hát Lớn không phù hợp với một điểm biểu diễn đại chúng mà chỉ tổ chức các hoạt động nghệ thuật hàn lâm cho đúng công năng đích thực của nó. Tuy nhiên hơn 100 năm sau, di sản này bị “biến dạng công năng, mục đích sử dụng.

“Cú hích” của vị Bộ trưởng

Không đành nhìn Nhà hát Lớn Hà Nội đi “chệch hướng”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã quán triệt chủ trương tạo cơ chế ưu tiên khai thác Nhà hát Lớn làm nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, cao, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống. 

“Việc này nằm trong thẩm quyền của Bộ. Chúng tôi chủ trương sẽ nỗ lực để chúng ta có thể đưa các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của đất nước vào Nhà hát Lớn mà không gặp trở ngại gì. Bộ giao Ban giám đốc Nhà hát Lớn phối hợp các đơn vị xây dựng chương trình hay nhất trong khả năng và đưa vào diễn tại Nhà hát Lớn.

Ban quản lý Nhà hát cũng phải tiếp thị quảng bá, giới thiệu cho các đoàn nghệ thuật của Bộ. Đất nước nào cũng phải có nghệ thuật đỉnh cao, đại diện nền văn hóa dân tộc đó để quảng bá giao lưu thế giới. Trước mắt, các nhà hát sẽ tự xây dựng các tác phẩm của mình từ những vở diễn đã từng đoạt Huy chương và đưa đến biểu diễn tại Nhà hát Lớn”, Bộ trưởng Thiện quả quyết. 

Trước sự quyết liệt của vị Bộ trưởng, rất nhiều lãnh đạo nhà hát, nghệ sĩ tỏ ra phấn chấn. Ông Nguyễn Thế Vinh (Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam), cho rằng đó là câu chuyện “khó” trong thời gian đầu. Tuy nhiên, nếu duy trì được một “điểm hẹn” quen thuộc để khán giả Thủ đô và du khách quốc tế tìm đến với nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật truyền thống, cộng cùng việc chú trọng tới quảng bá truyền thông và hợp tác cùng du lịch, mọi thứ sẽ dần có sự chuyển biến tích cực trong tương lai. 

Ông Trương Nhuận (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) cũng mừng không kém: “Nhiều năm qua, cách sử dụng Nhà hát Lớn, điểm biểu diễn sang trọng bậc nhất, đang rất lãng phí. Đây là địa điểm thu hút công chúng, khán giả nước ngoài.Việc đưa các tác phẩm của các nhà hát vào biểu diễn ở đây sẽ tạo cú hích rất lớn trong phát triển diện mạo chung của nghệ thuật hiện nay.

Đó là cú hích cho các nhà hát, tạo hứng khởi cho các nghệ sĩ biểu diễn, ao ước được biểu diễn tác phẩm tốt, có chất lượng ở Nhà hát Lớn là ao ước chung của nhiều nghệ sĩ, bởi có nghệ sĩ, cả đời chưa được biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Với rất nhiều nghệ sĩ trẻ, việc một lần trong đời được biểu diễn tại Nhà hát Lớn luôn là giấc mơ.

Tất nhiên, để triển khai trên thực tế, sẽ còn rất nhiều vấn đề cần được bàn thảo hoặc hoàn thiện thêm, chẳng hạn như việc xây dựng một cơ chế hỗ trợ và hợp tác thích hợp giữa lãnh đạo Nhà hát Lớn với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn”.

Đọc thêm