Giải mã 'bí quyết' giúp U23 Việt Nam và ông Park liên tiếp tạo kỳ tích

Bóng đá cũng như cuộc đời, khoảnh khắc phải được xây dựng trên một nền tảng lâu dài và toàn diện. Điều này được hội tụ ở trận thắng Syria, sau một chuỗi những trận thắng kỳ diệu khác trong gần 2 năm qua của thầy – trò Ông Park Hang Seo.
Giải mã 'bí quyết'  giúp U23 Việt Nam và ông Park liên tiếp tạo kỳ tích

Có vẻ như “khoảnh khắc” là điều dễ thấy nhất trong chuỗi liên tiếp các thành công của Bóng đá Việt Nam trong gần 2 năm qua. Điều này chắc hẳn khiến nhiều người hâm mộ đều suy nghĩ: Bóng đá là trò chơi “số phận”, là “may mắn”. Nhưng, sự thật hoàn toàn không phải như vậy. Hãy nhìn hành trình khác biệt giữa hơn 30 năm và gần 2 năm qua của bóng đá Việt Nam...

Hơn 30 năm vùng vẫy 'ao làng'

Dù qua bao nhiêu “thế hệ vàng” của bóng đá, nhưng chúng ta vẫn cứ “vật lộn” trong “ao làng” (khu vực Đông Nam Á). Khán giả nhà cứ hết lần này đến lượt khác sống trong “tủi hổ” khi gặp Thái lan là “tắt điện”, bị “bắt vía”.

Nguyên nhân cuối cũng đều được đánh giá là vì thiếu một HLV đủ trình để “xoay sở”, để thoát khỏi cái “vòng luẩn quẩn” là người Việt Nam “làm việc tập thể kém”, “tâm lý non”, “thể lực yếu”. 

Gỡ bài toán này không đơn giản, minh chứng là hơn 30 năm qua, nhiều HLV tên tuổi tầm cỡ quốc tế đều “thất bại”, như Weigang (người Đức), Alfred Riedl (người Áo), Calisto (người Bồ Đào Nha).... Tất cả đều “đứt gánh giữa đường”. Vì sao vậy?. Có lẽ huấn luyện viên ngoại dù tài năng đến mấy cũng bất lực vì thiếu am hiểu người Việt Nam, mà trực tiếp là các cầu thủ và đội ngũ quản lý người Việt.

Nhưng nói thế e vẫn thiếu công bằng, vì HLV nội như Nguyễn Hữu Thắng thì sao?. Tài năng cũng đã được khẳng định cả trong nghiệp cầu thủ lẫn HLV. Văn hóa Việt Nam đương nhiên anh có thừa vì sinh ra và lớn lên chính trên mảnh đất xứ Nghệ - đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.

Cách giải thích tạm chấp nhận được nhất là: chúng ta thiếu một vị HLV hội tụ thật sự cả tài năng và am hiểu văn hóa Việt Nam. "Ông Park” đã đáp ứng tiêu chí đó và thực tế đã tạo sự khác biệt... 

2 năm “ngẩng cao đầu”, "chơi đẹp" ở “biển lớn”

Chỉ chưa đầy 2 năm, ông Park đã thay đổi toàn diện Bóng đá Việt Nam.

Hiểu văn hóa Việt Nam

"Bóng đá gắn liền với văn hóa", ông Park có vẻ mới là người thấm thía điều này về bóng đá Việt Nam. 

Dù là người Hàn Quốc, nhưng với U23 Việt Nam, ông Park lại được xem là “vị cha già”. Đây là cách nói về sự gần gũi, chia sẻ của ông dành cho cầu thủ và người hâm mộ mình. Mỗi lời ông nói với báo chí thường không thiếu nhấn mạnh đến người hâm mộ. Còn trên sân tập, ông vui đùa với các cầu thủ của mình như người cha nô đùa với những đứa con. 

Tuy thế, ông không thiếu sự nghiêm khắc, một đặc tính cơ bản của người cha trong mọi gia đình người Việt Nam. Ông hay “trầm ngâm” đến độ như “ngủ gật”, điều mà báo chí nhiều lần đề cập khi nói về phong cách của ông trên băng ghế chỉ đạo. Tính cách này đã tạo nên một đội tuyển U23 với các cầu thủ khiêm tốn, ngoan ngoãn, có ý chí và quyết tâm tột cùng. Người hâm mộ có thể cảm nhận được các cầu thủ đối với nhau như một gia đình và hơn thế, luôn kiêu hãnh, trách nhiệm, chơi bóng hết mình vì “màu cờ sắc áo”.  

Tài năng

Tài năng của ông Park có lẽ thể hiện ở 2 yếu tố cốt lõi là “khoảnh khắc” và cách chuẩn bị để đón khoảnh khắc đó.

Đến nay các trận chiến thắng của U23 Việt Nam đều được quyết định ở những khoảnh khắc khi cầu thủ vào thay người. Văn Toàn giúp U23 Việt Nam vượt qua U23 Syria 1-0 thì 3 hôm trước là Công Phượng cũng một kịch bản như vậy với Đội Bahrain. Và điều này cũng lặp lại nhiều lần ở giải đấu chấn động người hâm mộ "túc cầu giáo" - chung kết U23 châu Á tại Thường Châu – Trung Quốc. 

Không thể có chuyện may mắn trong thay người khi mà cứ mỗi trận đấu ông Park thay người là sẽ có bàn thắng. Chắc chắn, ông phải hiểu cầu thủ đó là ai, năng lực của anh ta đến đâu, sử dụng khoảnh khắc nào trong trận đấu... 

Rồi cách thắng kiểu “cân não” - kiểu “bàn thắng vàng”, hầu hết ở những phút cuối trận. Trận với Syria là phút 115/120 thì 3 hôm trước là phút 88/90. Phải chăng ông Park có khả năng “đọc trận đấu”?.

Nhưng bóng đá là trò chơi tập thể – cần sự phối hợp nhịp nhàng của không những 11 cầu thủ trên sân mà cả khán giả và Ban huấn luyện. Nó là môn thể thao tổng hợp và toàn diện, huy động mọi yếu tố trí, lực và cảm xúc. Tài năng của ông Park còn thể hiện ở chỗ, ông đã hiểu và vận dụng triệt để sức mạnh tổng hợp này để xây dựng U23 Việt Nam.

Thêm nữa, ông Park đã “gột rửa” được căn bệnh cố hữu của cầu thủ Việt Nam – “sao”, “tâm lý non”. Đây là cả một cuộc cách mạng vì nó thay đổi về yếu tố “văn hóa” trong bóng đá.   

Điều khiến không ít người tò mò là ông Park “nhồi thể lực” như thế nào mà các cầu thủ Việt như lột xác, điều mà hơn 30 năm qua đời HLV nào cũng gần như "bó tay". Thể lực của U23 Việt Nam ngang ngửa với mọi đối thủ, thi đấu đến những phút bù giờ sau 2 hiệp phụ cũng không thấy biểu hiện mệt mỏi, đuối sức. 

Cách mà ông Park xây dựng nhân sự khiến người ta bất ngờ, rồi dùng từ “dị”. Ngay việc loại Văn Lâm để giữ Văn Quyết và Tiến Dũng cũng gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia và người hâm mộ. Nhưng cho đến nay, mọi nghi ngại đều biến mất vì sự hợp lý và thành công thấy rõ qua từng ngày. Thật không hổ danh là là người từng trợ lý cho HLV lừng danh Good Hidink, HLV giúp Hàn Quốc đạt Huy chương Đồng WorldCup 2002.

Việc Việt Nam bị thủng lưới rất ít, thắng sít sao kiểu “1-0” với những đối thủ có tiếng trong làng bóng châu lục. Xem ra, bây giờ Việt Nam đã “chơi sòng phẳng” với họ, không chỉ một vài trận, mà cả 2 năm qua, qua 2 giải đấu lớn. 

Chính điều đó là nền tảng để tuyển Việt Nam đón “khoảnh khắc”, mà nhiều người gọi là “may mắn”, là “số phận”. Không thể đợi được đến khoảnh khắc nếu đội bóng của ông Park không tự đưa mình tiệm cận, ngang với đối thủ.

Cảm ơn Ông Park Hang Seo vì giờ đây bóng đá Việt Nam không còn phải “vật lộn” trong “ao làng” như hơn 30 năm qua. Khán giả nhà không còn tự ti nữa. Thay vào đó, có thể “ngẩng cao đầu”, vì bóng đá nước nhà đã chơi “sòng phẳng” ở “biển lớn”. 

Cũng không quên cảm ơn ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Công ty Hoàng Anh Gia Lai), người mang ông Park đến cho bóng đá Việt Nam. Cảm ơn ông Đứcđã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên một lứa cầu thủ ăn, học, và hành đáng nể.