Ngày 1/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp báo công bố việc tích hợp thêm 6 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đánh dấu thời điểm có 725 dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.
6 dịch vụ công được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ ngày 1/7 bao gồm: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4; nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông.
Như vậy, từ hôm nay người dân có thể ngồi nhà nộp phạt trực tuyến nếu vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông, đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện và dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính...
"Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã bước đầu được người dùng đón nhận, phát huy tốt chức năng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nếu chỉ tính riêng các dịch vụ công thiết yếu được tính hợp từ ngày 1/7 đã có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Điểm chung của 6 dịch vụ công đưa lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh thanh toán điện tử, đặc biệt khi dịch COVID-19 mang đến thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến.
Thời gian qua, số lượng người tra cứu để thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tương đối lớn với khoảng hơn 16 nghìn lượt tra cứu, thực hiện. Lực lượng cảnh sát giao thông đã cung cấp gần 11 nghìn dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến.
Tuy nhiên, số lượng thực hiện nộp phạt trực tuyến thành công còn thấp do nhiều nguyên nhân nhân như: phạm vi thực hiện thí điểm còn hẹp (chỉ phạm vi xử lý của cấp Phòng trở lên của 5 địa phương đối với xử phạt của Cảnh sát giao thông và các đơn vị thuộc Tổng cục đường bộ của Thanh tra giao thông); cơ sở hạ tầng của các đơn vị thực hiện dịch vụ còn hạn chế; tâm lý, thói quen của người dân còn e ngại khi thực hiện theo hình thức trực tuyến…