Trong dân gian từ lâu bổ sung nhiều “thành ngữ” mới, đau lòng, ví dụ: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Nhiều thuật ngữ mới như: “chuyến tàu vét”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” được các đại biểu quốc hội, người dân đưa ra. Thực tế, đó là các tín hiệu cảnh báo.
Thời gian qua, rất nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng không hoặc khó xử lý kỷ luật do vướng luật. Bổ sung trách nhiệm vào Luật là cần thiết nhằm phòng ngừa, răn đe các cán bộ công chức khi làm việc phải đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, cơ quan, đơn vị không được sai phạm. Việc Trung ương kỷ luật “xóa tư cách” mặc dù rất nặng nhưng cái cơ bản vẫn phải luật định. Và nữa, không ít trường hợp kỷ luật nơi này lại điều chuyển bổ nhiệm nơi khác khiến người dân mất lòng tin vào công tác cán bộ.
Tất nhiên, hình thức kỷ luật của công chức về hưu khác hẳn công chức đương nhiệm, đây là điểm cần lưu ý. Công chức đương nhiệm có các hình thức kỷ luật là cảnh cáo, phạt tiền, giảm lương tháng, hạ bậc trong ngạch đang giữ và sa thải trong khi công chức hưu có các hình thức khác hẳn là giảm lương hưu và truất lương hưu (truất vĩnh viễn). Chuyện này, được áp dụng ở nhiều nước, có tác dụng răn đe hiệu quả. Không phải dù bị “kỷ luật” nhưng nguyên lương và quan trọng hơn, có khối tài sản kếch xù (dù không ai biết) là “vui như tết”. Từ đó pháp luật bị khinh nhờn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tìm ra hình thức kỷ luật phù hợp, nghiêm khắc với công chức về hưu. Hình thức kỷ luật phải mang tính răn đe, phải triệt tiêu những “tư tưởng”, “mầm mống” sai phạm manh nha hình thành ở người đương chức.
Tóm lại, nghĩ ra hình thức “xử lý” với công chức, viên chức sai phạm dù đã nghỉ hưu chính là thêm những chiếc “nan” quan trọng “đan” thành chiếc “lồng” luật pháp./.