Còn rất mới mẻ ở Việt Nam
Theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai, mặc dù việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành, nhưng trước đó chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư bằng hòa giải. HGTM vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam.
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP được “thai nghén” khoảng thời gian 5 năm trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Cùng với đó là tình trạng quá tải của tòa án đối với tranh chấp có tính thương mại, đầu tư kinh doanh. Bà Mai nhấn mạnh: “Nghị định số 22/2017/NĐ-CP được ban hành đã mở ra một kênh giải quyết tranh chấp mới với nhiều ưu điểm trong hoạt động kinh doanh, thương mại”.
Bà Mai mong muốn tới đây, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có thể hiểu rõ những ưu việt của HGTM và tin tưởng lựa chọn, sớm đưa phương thức giải quyết tranh chấp mới này vào cuộc sống vì cơ chế giải quyết tranh chấp là yếu tố chủ chốt góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Giới thiệu về Nghị định 22, Phó Trưởng phòng Quản lý đấu giá (Cục Bổ trợ tư pháp) Nguyễn Thị Tú Anh cho biết, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/4/2017, quy định các nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng HGTM, hòa giải viên thương mại, tổ chức HGTM, tổ chức HGTM nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động HGTM.
Đáng chú ý, Nghị định quy định kết quả hòa giải thành là trường hợp các bên đạt được thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ tranh chấp. Kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Để đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Nghị định quy định dẫn chiếu việc công nhận kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng Dân sự. Ngoài ra, Nghị định quy định trong trường hợp hòa giải không thành các bên có quyền yêu cầu trọng tài hoặc tòa án giải quyết tranh chấp.
Phải có sự công nhận của tòa án về kết quả hòa giải thành
Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Ánh Dương nêu hàng loạt những ưu điểm khi lựa chọn giải quyết tranh chấp qua hòa giải. Đó là thủ tục đơn giản, linh hoạt, gọn nhẹ, khẩn trương, tiết kiệm được thời gian, chi phí, HGTM mang lại lợi thế cho các bên khi có cơ hội lựa chọn một quy trình phù hợp, tránh những thủ tục pháp lý phức tạp. Các bên cũng biết trước kết quả và được quyết định phương án hòa giải. Điều này khác với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án là phải chờ đợi phán xét của tòa. Hơn nữa, thông qua hòa giải, các bên có điều kiện thể hiện thiện chí, hiểu và thông cảm cho nhau hơn, từ đó giúp các bên tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ kinh doanh, đối tác. Dưới góc độ quản lý nhà nước, hòa giải còn có ý nghĩa giảm tải khối lượng công việc của tòa án, tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Nghị định trong thực tế, ông Dương đề xuất cần làm rõ hòa giải có bắt buộc không, thời gian hòa giải có tính vào thời hiệu khởi kiện không, điều kiện thành lập trung tâm hòa giải… Các ý kiến khác cũng quan tâm đến việc đảm bảo bí mật thông tin của các bên tranh chấp, việc tại sao phải có sự công nhận của tòa án về kết quả hòa giải thành?
Trả lời về một số vấn đề đại biểu trao đổi, bà Mai cho biết: Liên quan đến việc bảo vệ bí mật thông tin, khoản 2 Điều 4 của Nghị định đã quy định “các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Điều 10 Nghị định cũng quy định một trong những hành vi bị cấm đối với hòa giải viên thương mại là “tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hòa giải”...
Còn việc phải có sự công nhận của tòa án đối với kết quả hòa giải thành, bà Mai lý giải, trong hoạt động HGTM, hòa giải viên không đưa ra phán quyết như thẩm phán hay trọng tài viên mà đóng vai trò kết nối các bên tranh chấp để các bên chủ động quyết định phương án giải quyết tranh chấp. Việc tòa án công nhận kết quả hòa giải thành chỉ diễn ra khi một trong các bên không tự nguyện thi hành. Đây là quy định tiến bộ, đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, thậm chí có quốc gia còn quy định kết quả hòa giải thành có hiệu lực ngay như phán quyết của tòa án.