Thép xuống giá, nhà đầu tư cổ phiếu bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dù vẫn ở mức cao so với các năm trước nhưng trong thời gian qua, giá thép có xu hướng “hạ nhiệt”. Dự báo trong thời gian tới giá thép tiếp tục giảm. Đây chính là lý do khiến cổ phiếu ngành thép lao dốc.
Giá thép xây dựng được dự báo sẽ còn giảm trong thời gian tới.
Giá thép xây dựng được dự báo sẽ còn giảm trong thời gian tới.

Giá thép “giảm nhiệt”

Đầu tuần này, giá các loại thép dao động trên 16.000 VNĐ - dưới 17.000 VNĐ/kg. Cụ thể, thép xây dựng Hòa Phát khoảng 16.700 VNĐ/kg, thép cuộn Hòa Phát 16.000 VNĐ/kg. Thép xây dựng Việt Đức có mức giá 16.900 VNĐ/kg, thép cuộn Việt Đức 16.600 VNĐ/kg. Tương tự, thép xây dựng Việt – Nhật có mức giá 16.600 VNĐ/kg, thép cuộn Việt – Nhật có giá 16.500 VNĐ/kg… Đây là các mức giá được duy trì từ ngày 16/11 cho tới nay. Còn trước đó, từ ngày 15 – 17/10/2021, mức giá các loại giá thép luôn cao hơn 17.000 VNĐ/kg.

Như vậy, có thế thấy, từ đầu năm đến nay, mức giá thép luôn dao động ở mức từ 16.000 VNĐ đến trên 17.000 VNĐ/kg. Con số đó chỉ là mức giá niêm yết, thực tế trên thị trường mức giá này thường cao hơn từ 1.000 VNĐ – 2.000 VNĐ/kg.

Chính việc giá thép tăng cao đã khiến hoạt động xây dựng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến hàng loạt các nhà thầu và doanh nghiệp xây dựng rơi vào khủng hoảng, giảm lãi lớn hoặc thua lỗ, thậm chí nguy cơ phá sản. Nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng phải hoãn việc xây dựng lại chờ giá thép xuống.

Năm 2020, mức giá thép xây dựng thời điểm cao nhất cũng chỉ khoảng hơn 14.000 VNĐ/kg. Bởi vậy, hiện nay ngành Xây dựng đang mong muốn, chờ đợi mức giá này quay trở lại. Trong khoảng một tuần qua, giá thép có xu hướng giảm xuống đôi chút đã khiến nhiều người tin rằng giá mặt hàng này sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 10 tháng năm 2021, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 27,7 triệu tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt gần 24,6 triệu tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 6,4 triệu tấn, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại sao cổ phiếu ngành thép giảm sâu?

Trước xu hướng giá thép đã giảm và sẽ giảm trong thời gian tới, thị trường chứng khoán của ngành thép trong thời gian qua đã “chao đảo”. Cụ thể, cổ phiếu mã HPG của Hòa Phát bắt đầu có xu hướng giảm từ một tháng nay.

Hồi giữa tháng 10/2021, cổ phiếu HPG lập đỉnh lên mức 58.000 VNĐ/cổ phiếu thì đến hôm qua - 22/11, mỗi cổ phiếu chỉ còn 48.000 VNĐ. Như vậy, HPG đã mất đi 17% giá trị chỉ chưa đầy một tháng, tức mất đi khoảng 41.000 tỷ đồng.

Điều này đã khiến các nhà đầu tư “khóc ròng”, đặc biệt nhiều nhà đầu tư riêng lẻ đã bán gấp cổ phiếu HPG. Hai quỹ thuộc nhóm Dragon Capital đã bán ra 1,4 triệu cổ phiếu HPG vào phiên ngày 10/11. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, nhiều nhà đầu tư đã gửi “tâm thư” đến Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long để trách móc.

Các cổ phiếu khác của ngành thép như HSG của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, NKG của Công ty CP Thép Nam Kim, VGS của Công ty CP Ống thép Việt Đức... cùng chung cảnh cổ phiếu sụt giảm. Điển hình, HSG “bốc hơi” 6% trong một phiên. Từ mức đỉnh 49.850 đồng vào ngày 18/10, mã này quay đầu giảm xuống mức 37.500 đồng/cổ phiếu vào phiên 19/11, tương đương mức giảm 25%.

Lí giải việc cổ phiếu ngành thép lao dốc, Công ty Chứng khoán Bảo Việt - cho rằng, giá thép tương lai sẽ giảm mạnh, trong khi các doanh nghiệp thép đang có tồn kho lớn. Về giá thép thế giới, giá thép cây hiện chỉ còn 4.308 nhân dân tệ/tấn, giảm khoảng 28% so với đỉnh được thiết lập vào đầu tháng 10.

Tương tự, quặng sắt – nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành công nghiệp thép cũng lao dốc mạnh từ vùng đỉnh 230 USD/tấn (tháng 5/2021) và hiện chỉ còn khoảng 85 USD/tấn, tương ứng mức giảm 63%. Với đà giảm của giá thép thế giới, giá thép trong nước cũng đang có diễn biến tương tự.

Ngoài ra, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, trong đó, giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số sản phẩm thép xây dựng, thép tấm với mức giảm thuế suất từ 5% đến 10%. Bộ Tài chính cho biết, giảm thuế các mặt hàng nhập khẩu sẽ giúp giá hàng hóa trong nước “hạ nhiệt”. Dự báo, thời gian tới thép ngoại có thể được nhập khẩu nhiều hơn vào Việt Nam, khiến thép trong nước càng chịu áp lực phải cạnh tranh với thép ngoại.

Đọc thêm