Thi đua yêu nước - động lực phấn đấu, vượt qua khó khăn

(PLVN) - Phong trào Thi đua yêu nước là nền tảng, động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội tích cực phấn đấu, thi đua; Có tác dụng hiệu triệu, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao…
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các Anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp ngày 27/5/1957.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các Anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp ngày 27/5/1957.

Khơi dậy sức mạnh tiềm tàng

Cách đây hơn 70 năm, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trao Thi đua ái quốc. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc.

Lời kêu gọi trên là nền tảng, động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội tích cực phấn đấu, thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; Có tác dụng hiệu triệu, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thi đua yêu nước có vai trò quan trọng trong việc khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Thúc đẩy năng lực sáng tạo của mỗi người. 

Qua thi đua nhằm phát hiện, nhân rộng nhiều tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến trong toàn quốc, tạo nên sức mạnh quần chúng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai các nhiệm vụ chính trị; rèn luyện năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Góp phần làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào thực tiễn. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (12/1966). Ảnh tư liệu.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (12/1966). Ảnh tư liệu.

Từ khi được khởi xướng, phát động đến nay, Phong trào Thi đua yêu nước trong mỗi giai đoạn, thời kỳ có những nét nổi bật, đặc trưng, song đều xuất phát từ lòng yêu nước chân chính được khơi dậy và phát huy với nhiều tấm gương điển hình thi đua tiêu biểu, từ những tầng lớp khác nhau.

Họ không chỉ tiêu biểu trong kháng chiến mà gương thi đua của họ ảnh hưởng sâu rộng cả trong thời bình, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Những năm qua, các phong trào thi đua trong cả nước phát triển sâu rộng ở các cấp, các ngành, các vùng, miền, địa phương trong cả nước với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức.

Điển hình là Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; Các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã - hội phát động, triển khai.

Để phát huy những kết quả, thành tích mà các phong trào thi đua yêu nước đã đạt được trong suốt 72 năm qua, các Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tăng cường lãnh đạo, tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện 3 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước và của Bộ, ngành, địa phương. 

Các phong trào thi đua tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị và chủ đề thi đua giai đoạn 2020 - 2025: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

Tăng cường tuyên truyền, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách tư pháp, cải cách hành chính; phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Đọc thêm