Kê biên, xử lý đối với tài sản là QSHTT là một chế định hoàn toàn mới trong Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS). Khi người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền nhưng không tự nguyện thi hành án mà họ đang có tài sản là QSHTT thì Chấp hành viên có thể kê biên QSHTT đó để đảm bảo thi hành án, kể cả trong trường hợp người phải thi hành án đã chuyển quyền sử dụng QSHTT cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì QSHTT đó vẫn bị kê biên.
Vấn đề kê biên, xử lý tài sản là QSHTT để thi hành án được quy định tại Luật SHTT, Điều 84, 85, 86 Luật THADS năm 2008; Điều 29, Điều 30, Điều 31 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP)
Việc kịp thời thể chế hóa các quy định về xử lý tài sản là QSHTT nhằm mở rộng thêm phạm vi đối tượng tài sản để đảm bảo việc thi hành án là một quy định rất tiến bộ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là QSHTT còn rất mới mẻ và hạn chế. Một phần vì đối tượng là người phải thi hành án có sở hữu tài sản là QSHTT rất ít. Mặt khác, pháp luật về QSHTT là một lĩnh vực tương đối phức tạp nên không tránh khỏi tình trạng Chấp hành viên ngại “đụng chạm” đến lĩnh vực này.
Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Do đó Quyền SHTT là một loại quyền tài sản. Trên thực tế rất khó để nắm bắt, xác định rõ đối với loại tài sản đặc biệt này. Mặt khác, theo Điều 6 Luật SHTT, căn cứ phát sinh, xác lập QSHTT đối với mỗi loại quyền SHTT ( bao gồm: quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng lại phát sinh hiệu lực vào những thời điểm khác nhau). Để tiến hành xác minh đối với loại tài sản này có thể phải tìm hiểu, khai thác thông tin từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau và phải cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức hữu quan. Do vậy, việc xác minh thi hành án đối với tài sản là QSHTT rất phức tạp và có thể bị kéo dài.
Việc kê biên tài sản là quyền SHTT được thực hiện theo quy định tại Điều 84 Luật THADS và Điều 29 nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Trình tự thủ tục này được áp dụng cho tất cả các loại tài sản thuộc quyền SHTT. Tuy nhiên, trong QSHTT bao gồm rất nhiều đối tượng như tác phẩm, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, bằng sáng chế…Trong đó, mỗi loại đối tượng lại có các quyền nhân thân, quyền tài sản khác nhau. Theo khoản 2 Điều 84 Luật THADS, khi kê biên quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án, tùy từng đối tượng của QSHTT, Chấp hành viên thu giữ các giấy tờ có liên quan đến QSHTT của người phải thi hành án. Tuy nhiên cụ thể các loại giấy tờ có liên quan này bao gồm những loại giấy tờ gì thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Với sự đa dạng và phức tạp của QSHTT, trình tự thủ tục kê biên QSHTT để đảm bảo thi hành án cần phải có các quy định hướng dẫn cụ thể hơn, đặc biệt là đối với một số đối tượng thuộc QSHTT có tính chất đặc thù để tránh nhầm lẫn và thuận lợi hơn cho Chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp.
Theo quy định tại Điều 86 Luật THADS, tài sản là QSHTT được bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật về QSHTT. Tuy nhiên, đối với mỗi loại quyền SHTT lại có những quy định riêng về các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng.
Ví dụ: Về chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, khoản 2 Điều 45 Luật SHTT quy định: “Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật SHTT”. Về chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng, Điều 194 Luật SHTT quy định: “Trường hợp quyền đối với giống cây trồng thuộc đồng sở hữu thì việc chuyển nhượng cho người khác phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu”; Điều 139 Luật SHTT quy định về các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp…
Đối với tài sản là quyền SHTT bị kê biên, xử lý để đảm bảo thi hành án thì có bị ràng buộc bởi những điều kiện hạn chế chuyển nhượng này hay không, do đó cũng cần phải có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
Trong tương lai, việc kê biên, xử lý các quyền tài sản nói chung và QSHTT nói riêng sẽ ngày càng phổ biến. Việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về kê biên, xử lý tài sản là QSHTT trong THADS là một yêu cầu rất quan trọng và cần thiết./.