Thi lớp 10 ở Hà Nội: Thí sinh đổ xô vào trường top giữa

(PLO) - Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố thông tin về chỉ tiêu và số lượng học sinh đăng kí dự thi vào lớp 10 không chuyên của các trường THPT công lập năm học 2018 - 2019 trên địa bàn Hà Nội. Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm nay dự đoán sẽ là cuộc cạnh tranh căng thẳng nhất trong những năm gần đây do có số lượng thí sinh năm đẹp “dê vàng” tăng vọt… 
Thi lớp 10 ở Hà Nội: Thí sinh đổ xô vào trường top giữa

Trong 2 ngày (20-21/5), thí sinh được thay đổi nguyện vọng trong khu vực đã đăng kí tuyến sinh…

Tỷ lệ "chọi" cao nhất 1/9,13

Theo đó, tổng số chỉ tiêu vào lớp 10 của các trường THPT công lập trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2018-2019 trước đổi nguyện vọng là 94.964. Năm học trước (2017-2018), số học sinh đăng ký dự thi là 76.246, với 50.960 chỉ tiêu, như vậy năm nay tăng hơn 18.700 em và chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập cũng tăng thêm 12.090 chỉ tiêu.

Trong số 110 trường THPT công lập của Hà Nội, có tới trên 20 trường có tỷ lệ thí sinh đăng ký nhiều gấp 2-3 lần chỉ tiêu. Đó là các trường THPT khác thuộc top đầu của Hà Nội như: THPT Chu Văn An không chuyên chỉ tuyển 225 học sinh nhưng có đến 719 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1, tỷ lệ chọi là 1/3.19; THPT Kim Liên có tỷ lệ chọi là 1/2,52 khi tuyển 765 em nhưng có 1.935 hồ sơ đăng ký (bao gồm cả nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2);THPT Yên Hòa có 675 chỉ tiêu nhưng tới 1.834 thí sinh đăng ký hồ sơ, tỉ lệ chọi là 1/2,71; Trường THPT Việt Đức có tỷ lệ chọi là 1/2,12 khi tuyển 720 em nhưng có 1.527 hồ sơ đăng ký; THPT Phan Đình Phùng có 720 chỉ tiêu, số hồ sơ đăng ký là 1.851, tỉ lệ chọi là 1/2,57; 

THPT Nhân Chính chỉ tiêu là 540, số hồ sơ đăng ký là 1.846, tỉ lệ chọi là 1/3,41; THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) có 675 chỉ tiêu, số hồ sơ đăng ký là 1.634, tỉ lệ chọi là 1/2,42; Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa) có 675 chỉ tiêu, số hồ sơ đăng ký là 1.396, tỉ lệ chọi là 1/2,06; THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm có 720 chỉ tiêu, số hồ sơ đăng ký là 1.472, tỉ lệ chọi là 1/2,04.

Đặc biệt, năm nay do nỗi lo về năm “dê vàng”, để chắc chân một suất vào trường công lập, các trường được xem là tốp giữa đã được nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn. Do đó, trong số 2 nguyện vọng thí sinh lựa chọn đăng kí, với thí sinh học lực khá tốt, thông thường phụ huynh sẽ nghiên cứu để các em đăng kí vào 1 trường tốp đầu và 1 trường top dưới (thậm chí dưới sức học của thí sinh), miễn sao có một suất vào trường công lập. Do đó, không ít trường tốp dưới có thí sinh đăng kí tăng vọt. Một số trường THPT có số lượng hồ sơ đăng ký đông là Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân) có 6.169 hồ sơ nhưng chỉ tuyển 675 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi là 1/9,13. THPT Tây Hồ nhận được 4.449 hồ sơ so với chỉ tiêu là 675, tỷ lệ chọi là 1/6,59. THPT Trần Nhân Tông có 630 chỉ tiêu, số hồ sơ đăng ký là 3.271, tỷ lệ chọi là 1/5,19... Những trường này, các năm gần đây, có điểm vào trường từ trên 40 tới 48, 49 điểm. 

Còn với những trường thí sinh tự tin với học lực của mình mới đăng kí nguyện vọng thuộc các trường top đầu như THPT Chu Văn An, Kim Liên, Thăng Long, Yên Hòa,… điểm chuẩn không có nhiều biến động qua các năm, dao động ở mức 52.5 - 55.5 điểm. Trường lấy điểm đầu vào cao nhất vẫn là THPT Chu Văn An. Trong 5 năm gần đây, điểm chuẩn của trường này ở mức 53,5 - 55,5 điểm. THPT Kim Liên, Yên Hòa, Thăng Long  giao động ở mức 52,5 -53,5 điểm (chênh lệch giữa các năm khoảng 0,5 - 1 điểm)...

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, sau khi tham khảo thông tin về chỉ tiêu và số lượng dự tuyển của từng trường, học sinh có thể thay đổi nguyện vọng dự tuyển đã đăng ký. Học sinh có thể nộp đơn xin đổi nguyện vọng tại các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã trong hai ngày 20 và 21/5. Tuy nhiên, cần lưu ý, học sinh chỉ được thay đổi nguyện vọng dự tuyển giữa các trường THPT trong khu vực tuyển sinh đã đăng ký và không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển vào các lớp chuyên, trường chuyên.

“Nóng”… không hồi kết?

“Căng hơn thi đại học” là tâm lý chung của phần đa phụ huynh. Bởi lựa chọn được một môi trường tốt cho con ở cấp THPT sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn nghề nghiệp của con em mình. Và nếu trượt trường công lập, để vào được những trường dân lập bán công top đầu, ngoài chuyện học phí đắt đỏ, không phải gia đình công chức nào cũng cáng đáng được, là điểm đầu vào trường cũng cao ngất ngưởng như những trường tốp đầu công lập.

Và để  giảm bớt tâm lý căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh, góp phần tạo sự ổn định cho kỳ thi năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đưa ra giải pháp tăng chỉ tiêu cho các trường công lập bằng cách tăng sĩ số học sinh từ 40 lên 45 học sinh/lớp. Tất cả các nhà trường dạy một buổi nếu có điều kiện dạy hai buổi thì đều bổ sung thêm lớp, chuẩn bị giáo viên, mua sắm bàn ghế, trang thiết bị dạy học… để sẵn sàng cho năm học mới. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại khẳng định, ngoài ra, các trường ngoài công lập, các trung tâm GD nghề nghiệp, GD từ xa, các trường trung cấp, cao đẳng… cũng thu hút một số lượng các học sinh trên địa bàn, nên các vị phụ huynh yên tâm, không cần lo lắng.

Thế nhưng, không riêng gì Hà Nội, chỉ tiêu vào lớp 10 của phần lớn các địa phương năm nay chỉ đáp ứng được 70-80% nhu cầu. Về phương thức tuyển sinh vào lớp 10, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các địa phương có thể chọn một trong ba cách: xét tuyển, thi tuyển, kết hợp xét và thi tuyển. Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh kỳ thi lớp 10 chỉ mang ý nghĩa tuyển chọn, vì vậy việc thi tuyển nếu có phải tổ chức nhẹ nhàng, không căng thẳng, tốn kém.

Nhưng đến nay ở nước ta, kỳ thi lớp 10 vẫn được tổ chức ở nhiều địa phương và đang ngày trở nên căng thẳng. Vô hình trung, ngành giáo dục các địa phương mặc nhiên thừa nhận việc đánh giá học sinh qua mỗi năm học là không còn chính xác, hiệu quả nên mới tổ chức kì thi (thậm chí nhiều môn thi) bởi lý giải có thi mới học nếu không các em sẽ bỏ qua và học lệch. Chưa kể tới, đơn cử như tại Hà Nội, nhiều thầy cô nhận xét rằng, đề thi từ năm 2012 trở lại đây đã mỗi năm mỗi khó. Do đó, năm nay thí sinh sinh năm đẹp “dê vàng”, tỷ lệ chọi tăng vọt thì nỗi lo về đề thi khó để lựa chọn thí sinh là hoàn toàn có cơ sở…

Đọc thêm