Thị sát điểm thi sáng nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắn nhủ thí sinh vững tâm làm tốt bài thi

(PLVN) - Sáng nay (24/6), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 đã trực tiếp kiểm tra công tác thi THPT quốc gia tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với hội đồng thi tại điểm cầu Hoài Đức- Hà Nội (ảnh: Xuân Phú)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với hội đồng thi tại điểm cầu Hoài Đức- Hà Nội (ảnh: Xuân Phú)

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2019, Hà Nội có trên 75.000 thí sinh dự thi, hơn 3000 phòng thi và 125 điểm thi. Ban Chỉ đạo thi thành phố đã huy động 7,755 cán bộ coi thi, trong đó, các hơn 3000 cán bô coi thi thuộc trường đại học và hơn 4000 cán bộ coi thi là giáo viên THPT.

Giám đốc Sở GD-ĐT cũng cho hay, các điểm thi đều lắp đặt camera. Hôm nay, đề thi được chuyển đến điểm thi theo đúng quy định.

Ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch huyện, trưởng Ban Chỉ đạo thi huyện Hoài Đức báo cáo với đoàn kiểm tra, đến giờ phút này, huyện Hoài Đức đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Thi ở 85 phòng thi với 2037 thí sinh.

Ông Ngô Văn Quý , trưởng Ban Chỉ đạo thi TP.Hà Nội cho hay, hiện nay, 100 điểm thi trên thành phố đã sẵn sàng cho kỳ thi, công tác an ninh, y tế, giao thông...đã được đảm bảo chu tất.

Các khâu chuẩn bị đã hoàn tất
Các khâu chuẩn bị đã hoàn tất

Không được để xảy ra sơ hở, rủi ro 

Ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo của Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Cho đến nay, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia cơ bản đã hoàn tất, nhưng còn thời gian để rà soát công việc, khớp nối giữa các tổ chức, cá nhân liên quan. Đặc biệt, Bộ trưởng đưa ra 5 vấn đề lưu ý địa phương.

Thứ nhất là bảo quản đề thi, bài thi. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, cán bộ được phân công liên quan đến công tác in sao đề thi, bảo vệ đề thi, bài thi cần nêu cao trách nhiệm. Dù đã có camera giám sát, nhưng nếu cán bộ làm công tác này không có ý thức trách nhiệm cao để giám sát thì rủi ro vẫn có thể xảy ra.

Thứ 2 là công tác coi thi. Cho rằng đây là khâu dễ xảy ra sai phạm, Bộ trưởng lưu ý các cán bộ coi thi cần nắm rất vững quy chế, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, làm việc theo đúng quy trình, chắc chắn, đúng người, đúng việc theo đúng quy định của quy chế; cẩn trọng từ những việc nhỏ nhất, như chữ kí giám thị… Đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể sử dụng để gian lận.

Thứ 3 là công tác thanh tra, kiểm tra. Với hoạt động này, Bộ trưởng nhấn mạnh cần hoàn thiện tất cả các quy trình, các bước thực hiện; bởi chỉ cần sơ hở một công đoạn nhỏ trong một quy trình cũng sẽ dẫn đến rủi ro. Thanh tra giám sát chặt chẽ nhưng không làm căng thẳng. Bộ trưởng cũng mở rộng công tác thanh kiểm tra không chỉ giới hạn ở những người làm công tác này; đồng thời đề nghị các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân, cử tri cùng tăng cường giám sát để có một kỳ thi thực sự nghiêm túc, trung thực.

Thứ 4 là công tác truyền thông. Theo Bộ trưởng, cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí; tạo sự minh bạch thông tin cho Kỳ thi.

Vấn đề cuối cùng được Bộ trưởng lưu ý là công tác phục vụ kỳ thi, từ điện, nước, nơi ăn chốn ở của giám thị; vấn đề giao thông…

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi lời chúc đến các thầy cô, thí sinh trên toàn quốc có một kỳ thi thành công, an toàn, hiệu quả.

Nếu để xảy ra sai sót, cán bộ coi thi phải chịu trách nhiệm 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân nhạ lưu ý các cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ thi phải nắm chắc quy chế và chỉ có nắm chắc quy chế mới không xảy ra sai sót. Vì nếu để sảy ra sai sót cán bộ coi thi phải chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy chế

Đọc thêm