Thi tốt nghiệp THPT 2021: Không xáo trộn nhiều, không gây sốc cho thí sinh

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ vừa chủ trì hội nghị tổng kết công tác thi, xét tốt nghiệp THPT giai đoạn 2015-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025. Đa số ý kiến tại hội nghị đề nghị Bộ GD&ĐT giữ ổn định kỳ thi trong 5 năm tới, đặc biệt năm 2021 giữ ổn định như năm 2020.
Nhiều địa phương, thí sinh và thầy cô mong muốn giữ ổn định kì thi như năm 2020.
Nhiều địa phương, thí sinh và thầy cô mong muốn giữ ổn định kì thi như năm 2020.

Sẽ sớm có phương án thi

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, năm 2020, công tác tổ chức thi đã chắt lọc, kế thừa thành tựu giai đoạn trước đó, vừa đúng luật vừa phù hợp thực tiễn. 63 địa phương đã làm hết trách nhiệm và rất sáng tạo, đảm bảo mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn kỳ thi vừa an toàn trong dịch bệnh. 

Theo ông Trinh, định hướng kỳ thi giai đoạn 2021-2025 cần được tính toán từng bước để chủ động thực hiện, tăng cường khắc phục lỗi kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) mạnh mẽ hơn. Phương thức thi căn bản ổn định như năm 2020, đồng thời nỗ lực điều chỉnh kỹ thuật tốt hơn, đảm bảo không ảnh hưởng tới học sinh, giáo viên và xã hội.

Trong đó, cần thực hiện hai nhiệm vụ lớn là tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú, chuẩn hoá để sử dụng hiệu quả hơn nữa; tăng cường ứng dụng CNTT theo hướng đưa dần hình thức thi trên máy tính vào kỳ thi. Hình thức thi trên máy tính đồng thời với việc khai thác các Trung tâm khảo thí quốc gia, khai thác các trường ĐH và các tổ chức, cá nhân có đủ nguồn lực để hình thành trung tâm khảo thí.

“Nói vậy không phải là chúng ta làm được ngay. Quá trình này sẽ mất nhiều thời gian, cần tính toán, chuẩn bị kỹ, sớm thí điểm ở những địa phương đáp ứng điều kiện và dần mở rộng. Đảm bảo sự tương đồng giữa hai hình thức thi và không gây bất an cho xã hội”, ông Trinh lưu ý.

Ông Vũ Đức Minh, Vụ phó Vụ Khoa giáo Văn xã (Văn phòng Chính phủ), cho rằng, cơ bản kỳ thi đã đạt mục tiêu, phương hướng đặt ra. Từ học để thi 2 kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng, chỉ còn 1 kỳ thi; từ thí sinh cả nước đổ về các TP để thi, đến nay chỉ thi tại địa phương, thậm chí tại trường như đi học. 

“Như vậy, đổi mới thi tốt nghiệp THPT đã giảm được áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho phụ huynh. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ, địa phương đã được phân nhiệm rõ ràng”, ông Minh đánh giá.

Trong giai đoạn tới, theo ông Minh, giữa đổi mới và ổn định có nhiều thách thức. Phụ huynh, học sinh mong muốn ổn định, trước mắt nên giữ vững phương thức thi ổn định như hiện nay, đồng thời dần dần kết hợp thi trên máy tính.

Đồng thời, tiếp tục rà soát theo hướng hoàn thiện quy trình, quy chế, phần mềm chấm thi; làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức kỳ thi; tăng cường ứng dụng CNTT, thử nghiệm tiến tới thi trên máy tính. Yêu cầu cao nhất là không xáo trộn nhiều, không gây sốc cho thí sinh.

“Căn cứ ý kiến đóng góp, Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá, tiếp thu, hoàn thiện phương án thi giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ. Nếu Chính phủ đồng ý phương án, chậm nhất tháng 12/2020, Bộ sẽ ban hành Quy chế để các Sở chuẩn bị tốt nhất, với tinh thần trách nhiệm và cố gắng cao nhất”, ông Độ cho biết.

Băn khoăn về phương án thi trên máy tính

Ông Dương Công Lợi, Phó GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An, bày tỏ sự ủng hộ đổi mới tích cực của Bộ vì đổi mới vì học sinh, giảm nhẹ áp lực cho thí sinh, phụ huynh; kỳ thi được tăng cường giám sát, tăng tính minh bạch, tạo niềm tin đối với kết quả. “Định hướng tiếp tục giữ ổn định kỳ thi giúp nhà trường chủ động trong tổ chức dạy học, nhất là tâm lý thí sinh, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Chủ trương đổi mới tiến dần tới thi trên máy tính cần lộ trình phù hợp và sớm có văn bản chỉ đạo”, ông Lợi nêu ý kiến.

Về phía các trường ĐH, ông Nguyễn Quốc Anh, Hiệu phó ĐH Công nghệ TP HCM, cho rằng, mặc dù trong giai đoạn tới, nhiều trường tự chủ với các phương thức tuyển sinh khác, nhưng đa số vẫn tin tưởng sử dụng xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ hơn 50%. “Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng khá phức tạp, vì vậy, chúng tôi hy vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục giữ ổn định và tin tưởng sử dụng kết quả thi để xét tuyển sinh”, ông Anh nói.

Về phương án thi trên máy tính, ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Ban Đào tạo ĐHQGHN, nhận định: “Thi trên máy và thi trên giấy không đơn thuần là lấy mô hình trên giấy để số hoá mà cần quy định rõ ràng bằng các văn bản pháp quy. Thí sinh có thể thi nhiều lần trong một năm, do đó đề thi phải có tính phân loại và tính không trùng lặp cao, đồng thời đảm bảo tính cân bằng, tương thích trong hệ số tương quan cho phép. Hệ thống phần mềm cũng cần đảm bảo tính khách quan, trung thực, an toàn, bảo mật. Bên cạnh đó, cách thức xét tốt nghiệp, thời gian công nhận kết quả thi ra sao cũng phải tính toán phù hợp mục đích xét tốt nghiệp và cung cấp cơ sở để xét tuyển sinh”.

“Trong bất cứ kỳ thi nào, dù là kỳ thi trên giấy hay trên máy tính, truyền hình… đều có những vấn đề kỹ thuật, sự cố có thể xảy ra. Do đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng, với lộ trình từng bước, áp dụng thí điểm, tập huấn, xây dựng các văn bản cụ thể”, ông Thảo nói.

Đọc thêm