Thi tốt nghiệp THPT 2022: Lên phương án đối phó gian lận thi cử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Nghiêm túc, an toàn, chất lượng” là cụm từ được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022. diễn ra hôm qua (8/6).
Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Không ra đề vào phần tinh giản

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực chung của toàn ngành Giáo dục, sự quan tâm của các địa phương, 63 tỉnh/thành đã kết thúc năm học vào 31/5 cho khối lớp 12. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đồng loạt trên cả nước vào 7-8/7 tới.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, phụ trách các vấn đề chung về chính sách, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi; chịu trách nhiệm về đề thi; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi… Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi của địa phương. Trong những năm qua, các địa phương đã vào cuộc tổ chức kỳ thi với tinh thần trách nhiệm rất cao.

Nhấn mạnh việc sớm thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Bộ trưởng đồng thời mong muốn các địa phương lường trước mọi vấn đề, đưa ra các phương án dự phòng để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, như thiên tai, dịch bệnh… và các vấn đề khác; lường trước các phát sinh bất thường, đặc biệt trong quá trình tổ chức thi; bảo đảm tổ chức tốt nhất kỳ thi trên địa bàn.

Bộ trưởng cũng mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những khâu về đề thi, coi thi, chấm thi, các khâu khác có liên quan… để bảo đảm an toàn, bảo mật, trật tự cho kỳ thi.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ đã xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, chuẩn bị ra đề thi; phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức thi và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức thi; công tác tập huấn; công tác đăng ký dự thi... cũng được chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo. Đến 17h ngày 5/6, tổng số Phiếu đăng ký dự thi trên Hệ thống là 1.002.486. Ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi đã được rà soát, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay.

Đối với công tác ra đề thi: Bộ GD-ĐT hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để thực hiện các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia Hội đồng ra đề thi.

Bộ GD-ĐT đồng thời thực hiện hoàn thiện, nâng cấp phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức thi và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức thi. Hệ thống đã hỗ trợ tốt cho việc đăng ký dự thi của kỳ thi theo hình thức trực tuyến. Cục Quản lý chất lượng đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tổ chức kiểm tra thử phần mềm hỗ trợ ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Quy định mới chống gian lận

“Nghiêm túc, an toàn, chất lượng” là cụm từ được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho biết: Mục đích thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Tính chất quan trọng của kỳ thi đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng để bảo đảm tổ chức thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện nay, các thiết bị công nghệ cao có thể thu phát sóng trong khoảng 25m nên nếu để vật dụng của học sinh gần phòng thi sẽ có nguy cơ lộ đề.

Để phòng chống gian lận thiết bị công nghệ cao, một trong những quy định mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là các vật dụng của thí sinh không để ngay bên ngoài phòng thi như mọi năm mà phải cách phòng thi tối thiểu 25m.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hải Phòng cho rằng, quy định này gây khó khăn cho những tỉnh, thành phố có số lượng thí sinh dự thi đông và số lượng phòng thi không đủ.

Còn ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, với diện tích khu vực thi, phòng thi hạn hẹp thì Hà Nội khó có thể bố trí một phòng để vật dụng của học sinh, trong đó có điện thoại ở mỗi điểm thi. Bên cạnh đó, việc này có thể dẫn đến việc học sinh sau khi thi xong sẽ lấy nhầm đồ. Vì vậy, ngành Giáo dục TP Hà Nội đề nghị được có phương án riêng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho kỳ thi.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, với những địa phương có đông thí sinh dự thi như địa bàn thành phố, quy định này rất khó thực hiện. Số lượng thí sinh ở mỗi điểm thi rất lớn. Nếu đưa vật dụng của thí sinh vào các phòng tập trung thì sẽ rất khó khăn cho các em trong việc lấy các vật dụng của mình sau môn thi buổi sáng để chuẩn bị cho bài thi buổi chiều. Năm nay, khả năng thu phát của thiết bị là 25m, nhưng năm sau có thể lên đến 50m thì chúng ta sẽ phải làm như thế nào?, ông Hiếu bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng nêu rõ đây là quy định buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Do đó, Thứ trưởng Độ đề nghị TP HCM cần có giải pháp phù hợp để triển khai vấn đề này.

Sẽ sớm ban hành Quy chế tuyển sinh

PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, Quy chế tuyển sinh 2022 đang trình xin ý kiến lãnh đạo Bộ và sẽ sớm được ban hành cùng hướng dẫn. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2022 có một số điểm mới, trong đó có những điều chỉnh về kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin. Trong quá trình triển khai, có những điểm cần hỗ trợ thí sinh thì Bộ sẵn sàng thực hiện.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, năm nay, 100% thí sinh đã đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, một số địa phương có ý kiến thí sinh tự do có khó khăn khi đăng ký dự thi trực tuyến, nên thời gian tới, Bộ GD-ĐT dự kiến mở lại cổng đăng ký dự thi cho thí sinh tự do tiếp tục đăng ký xét tuyển trực tuyến. Để thuận tiện cho công tác tuyển sinh, các trường đại học đề xuất xây dựng quy chế phối hợp giữa các trường đại học, các Sở GD-ĐT với các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD-ĐT. Điều này nhằm làm rõ, thống nhất trách nhiệm về một số nội dung của công tác tuyển sinh như: Mức thu lệ phí, cách thu…

Theo một số trường đại học, hiện nay việc Bộ GD-ĐT chưa công bố Quy chế tuyển sinh đại học 2022 là quá chậm trễ. Trong đó, có những trường phải kéo dài thời gian công bố đề án tuyển sinh.

63 đoàn thanh tra sẽ kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nhấn mạnh về công tác thanh tra, kiểm tra, mục tiêu chính là phòng ngừa; phải tham gia từ đầu để ngăn ngặn kịp thời hạn chế, bất cập, không để xảy ra vi phạm. Cùng với đó, phải kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Công tác kiểm tra, thanh tra phải rất kịp thời, vừa theo diện rộng, vừa có trọng điểm; có biên bản, thông báo để rút kinh nghiệm, đề phòng thì hiệu quả công tác thanh tra mới cao... Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, theo quy định của Luật Giáo dục 2019, với trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi.

Đọc thêm