Thi tốt nghiệp THPT 2023: “Chiến lược” ôn luyện sát ngày thi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày mai - 27/6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước sẽ làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và chính thức làm 5 bài thi vào 2 ngày 28 - 29/6. Trước ngày thi, nhiều thầy cô lưu ý thí sinh bình tĩnh, có “chiến lược” sắp xếp thời gian để làm bài thi thật tốt.
Giữ tinh thần ổn định là điều rất quan trọng với thí sinh. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: PV)
Giữ tinh thần ổn định là điều rất quan trọng với thí sinh. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: PV)

Để vượt qua những giới hạn của bản thân

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ có 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên môn Tiếng Anh của Hệ thống giáo dục Hocmai khuyên thí sinh, để có thể giành được điểm số cao ở các môn thi nói chung và môn Tiếng Anh nói riêng, thí sinh cần chuẩn bị tốt 3 yếu tố.

Thứ nhất, kiến thức về Ngữ pháp, từ vựng cho chắc chắn. Thứ hai, phương pháp, kĩ năng làm bài cho hiệu quả. Thứ ba, tâm thế quyết tâm “chiến đấu”, nỗ lực đến cùng để giải quyết vấn đề và hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Về mặt kiến thức, thí sinh cần rà soát một lượt các phần kiến thức trọng tâm, những lưu ý của các chuyên đề và đọc thật kĩ câu hỏi để có những câu trả lời chính xác nhất.

Về kỹ năng làm bài, bên cạnh những kỹ năng cụ thể của từng dạng mà thí sinh tích lũy được trong quá trình học tập và giải quyết các đề thi tập dượt, thí sinh nên bắt đầu làm từ các câu dễ hoặc các dạng bài thế mạnh của mỗi người.

Điều đó sẽ giúp thí sinh tự tin hơn. Điểm số mỗi câu là như nhau, các câu mất 5 - 10 giây để làm cũng bằng câu mất 5 - 10 phút, nên hãy luôn cẩn thận, chắt chiu từng câu một. Đừng cẩu thả hay sa lầy mất thời gian ở các câu khó. Bên cạnh đó, các em phải có chiến lược thời gian làm hiệu quả và sát sao để có thể đạt điểm cao.

Theo cô Hương, các bạn nên chia 1/2 số thời gian đầu tiên để làm các dạng bài trắc nghiệm với hình thức câu ngắn với trung bình 30 giây/câu, tối đa là 1 phút cho câu khó và dài; 1/2 thời gian còn lại làm bài đọc điền và 2 bài đọc hiểu. Lưu ý luôn chừa lại một chút thời gian để kiểm tra đáp án, từ đó tránh các lỗi sai đáng tiếc.

Về tâm thế, dù các em học sinh có mục tiêu điểm số là gì đi nữa cũng cần nỗ lực và quyết tâm hết mình để đạt được. Sát ngày thi, các em tránh học quá sức, hay quá áp lực. Thí sinh cần phân bổ thời gian ôn tập nhẹ nhàng, vừa sức, ngủ đủ 6 - 8 tiếng và vận động, chơi thể thao để có được một thể lực và trạng thái tinh thần tốt nhất.

Mỗi khi mệt mỏi hãy nhớ về gia đình và những người thân yêu, nhớ đến giấc mơ tương lai của mình, đó sẽ là nguồn động lực để chúng ta vượt lên trên những sợ hãi, những giới hạn.

Chấp hành nghiêm Quy chế thi

Thầy giáo Lê Bá Trần Phương, giáo viên Toán, Hệ thống giáo dục Hocmai (Hà Nội) cho rằng, giai đoạn này, điều đầu tiên với các thí sinh là giữ gìn sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và không được thức khuya; hạn chế tiếp xúc với không gian mạng, gây ảnh hưởng đến kết quả thi.

Khi đến địa điểm thi, luôn nhớ mang theo người căn cước công dân, thẻ dự thi, máy tính. Nên đến trước địa điểm thi trước 30 phút, cần đặt báo thức cẩn thận tránh ngủ dậy muộn, quên giờ thi. Thầy Trần Phương cũng nhấn mạnh, trước khi vào phòng thi, giám thị luôn phổ biến Quy chế không được mang điện thoại vào phòng thi, nhưng đáng tiếc ở kỳ thi nào cũng xuất hiện thí sinh bị hủy bài do vi phạm. Do đó, các em tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi.

Thầy Trần Phương cũng nhắc học sinh trong quá trình làm bài, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau. Cần kiểm tra kỹ lưỡng để tránh sót. Đặc biệt, những ngày sát kỳ thi, các em không nên sa đà vào việc ôn luyện. Điều này không giúp các em tăng lượng kiến thức mà ngược lại, gia tăng áp lực, căng thẳng trước khi vào phòng thi. Các em đã có 1 năm ôn luyện, còn vài ngày trước kỳ thi chỉ nên xem lại hệ thống kiến thức nhẹ nhàng.

TS. Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống giáo dục Hocmai cũng có những lưu ý thí sinh. Theo đó, năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố toàn bộ đề thi minh họa các môn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT không thay đổi từ năm 2017 đến nay.

Về cấu trúc, đề thi gồm 2 phần: đọc hiểu (3,0 điểm), làm văn (7 điểm), trong đó câu nghị luận xã hội 2 điểm và nghị luận văn học 5 điểm. Ở phần đọc hiểu, đề minh họa đưa ra ngữ liệu đoạn thơ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông, thí sinh cần tham khảo, lưu ý. Phần này có 4 câu hỏi phân loại theo các cấp độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao. Phần làm văn, câu nghị luận xã hội giúp thí sinh dễ dàng ghi điểm khi nêu quan điểm, góc nhìn cá nhân hợp lý. Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất với 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp THPT đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian...

Theo cô giáo Lê Huyền Thanh, giáo viên Trường THPT Lý Tử Tấn (Hà Nội), ở thời điểm này, học sinh đã được học đầy đủ kiến thức để thi, quan trọng là giữ cho mình tinh thần ổn định. Nhiều em khi đi thi hay bị mất bình tĩnh và rơi vào trạng thái sợ, không nhớ được kiến thức. Các em ổn định được tâm lý thì chỉ cần vận dụng các kiến thức đã được học, ôn luyện để áp dụng vào làm bài. Đề thi cho học sinh toàn quốc, không phân biệt vùng miền nên nhìn chung sẽ không quá khó với kiến thức trong sách giáo khoa. Các em cứ bình tĩnh, thả lỏng tâm lý để làm bài tốt nhất trong khả năng của mình.

Đọc thêm