Thi tốt nghiệp THPT 2023: Nỗ lực phòng, chống gian lận thi cử công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 khu vực phía Bắc.
Kỳ thi đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhiều chủ thể tham gia và nhận sự quan tâm của toàn xã hội. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
Kỳ thi đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhiều chủ thể tham gia và nhận sự quan tâm của toàn xã hội. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

An toàn, nghiêm túc, nhưng không căng thẳng quá mức

Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT, Bộ Công an cùng hơn 300 cán bộ, đại biểu, đại diện đến từ 31 Sở GD-ĐT và 68 cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nhận định, kỳ thi diễn ra trong thời gian ngắn nhưng quy mô rộng, khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhiều chủ thể tham gia và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đây là kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá kết quả 12 năm học tập của học sinh, chất lượng công tác dạy học, quản lý của nhà trường, là một trong những điều kiện để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học và dạy nghề. Do đó, kỳ thi đòi hỏi sự nghiêm minh, công bằng, khách quan, trung thực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thưởng, năm 2023 lực lượng thanh tra sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm, kịp thời khắc phục những hạn chế từ các kỳ thi những năm trước để công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát của kỳ thi năm 2023 đạt được hiệu quả.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tập huấn thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thưởng đề nghị, ngoài những tài liệu đã cung cấp, các báo cáo viên cần phổ biến những nội dung cốt lõi nhất, quan trọng nhất, đưa ra những tình huống, những vấn đề thường hoặc dễ phát sinh tiêu cực, rủi ro để cùng thảo luận và dự báo trước. “Nhiệm vụ của chúng ta là tạo ra một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng, không căng thẳng quá mức”, Thứ trưởng chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh việc phòng ngừa, ngăn chặn và phương pháp, cách thức, thái độ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát: làm việc đúng quy chế, đúng quy định, đúng chức trách, nhiệm vụ; thái độ làm việc nhẹ nhàng, thân thiện, nhưng vẫn nghiêm túc, cương quyết. Chú trọng công tác phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa Thanh tra Bộ GD-ĐT với các đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ, thanh tra của địa phương, với Bộ Công an và các lực lượng khác. Coi trọng sự chủ động của thanh tra trong xây dựng kế hoạch, đề xuất nội dung, thời điểm để bảo đảm vừa bao quát nhiệm vụ, vừa trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo.

Ngăn chặn các hành vi gian lận tinh vi

Tại Hội nghị, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó Trưởng phòng 10, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an hướng dẫn kiểm tra, phát hiện thiết bị công nghệ cao có thể sử dụng để gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Với các thí sinh, các hành vi sử dụng thiết bị để gian lận trong phòng thi được thực hiện bởi các thiết bị điện tử tinh vi, siêu nhỏ, có thể liên kết với các thiết bị có gắn sim điện thoại có kết nối 3G, 4G để hỗ trợ cho việc gọi, nghe lời giải từ bên ngoài đưa vào. Các thiết bị này được thiết kế, ngụy trang dưới nhiều hình thức, có thể là thẻ ATM, bút viết, kính mắt, chìa khoá xe máy, ô tô, hay đồng hồ thông minh. Các thiết bị này có hình dạng giống các đồ vật thông dụng, được thiết kế nhỏ gọn, gắn với các đồ vật đó.

Năm 2023, Bộ GD-ĐT dự kiến điều động khoảng 130 cơ sở giáo dục đại học cử cán bộ, giảng viên tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ GD-ĐT tại 63 Sở GD-ĐT/Hội đồng thi với khoảng 8.000 cán bộ, giảng viên đến kiểm tra trực tiếp công tác coi thi tại từng Điểm thi/Hội đồng thi. Với công tác chấm thi, Bộ GD-ĐT dự kiến điều động khoảng 80 cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở này cử cán bộ, giảng viên tham gia đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ GD-ĐT với khoảng 160 cán bộ, giảng viên, đến kiểm tra trực tiếp công tác chấm thi tại 63 Sở GD-ĐT/Hội đồng thi.

Để thực hiện hành vi gian lận, thí sinh thường sử dụng thiết bị có 2 thành phần chính: thành phần trong phòng thi (gắn với thí sinh), thành phần ngoài phòng thi (gắn ở bất kỳ địa điểm nào với đối tượng bên ngoài). Trong phòng thi, thiết bị sử dụng gắn với thí sinh có 2 bộ phận, gồm: tai nghe và thiết bị thu phát. Theo đó, tai nghe phổ biến là dạng siêu nhỏ, chỉ bằng hạt ngô, hạt đậu đặt vào trong lỗ tai, sử dụng kết nối không dây đến bộ thu phát. Thí sinh sẽ thực hiện gắn tai nghe vào tai trước khi vào phòng thi, vì rất nhỏ nên giám thị khó nhận biết.

Có 6 phương pháp nhận biết các thiết bị gian lận, tuỳ theo điều kiện cụ thể để áp dụng. Trong đó, 3 giải pháp là sử dụng phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn đường truyền của thiết bị kiểm soát. Tuy nhiên, với một kỳ thi có quy mô lớn, các giải pháp kỹ thuật này rất khó triển khai. Vì vậy, theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, giải pháp khả thi nhất, dễ thực hiện nhất là các phương pháp quan sát đồ đạc, vật dụng của thí sinh mang vào phòng thi. Kiểm tra để nhận biết dấu hiệu khác với bình thường, qua đó ngăn chặn được hoạt động gian lận.

Trước thời gian thi, cán bộ coi thi cần quán triệt kỹ về quy chế, trong đó có những vật dụng được phép mang vào phòng thi. Cách thức kiểm tra là quan sát kỹ toàn bộ bề mặt của các vật dụng để xác định dấu hiệu bất thường. Thứ hai là quan sát biểu hiện tâm lý không bình thường của thí sinh. Vì áp lực tâm lý, thí sinh sử dụng thiết bị gian lận sẽ luôn luôn thụ động; từ đó phát sinh biểu hiện khác thường như lo lắng, hồi hộp, mất tự nhiên. Khi nhận đề, thí sinh có biểu hiện như lẩm nhẩm đọc đề để máy thu; quá trình làm bài không tập trung, thể hiện ở việc trông chờ thông tin từ ngoài đưa vào… Thứ ba là quan sát các hoạt động bất thường của thí sinh, như tay vuốt vào đồng hồ, gọng kính...

Chính vì thế, cán bộ coi thi tại các phòng thi có vai trò hết sức quan trọng trong phát hiện các thủ đoạn, phương thức sử dụng, phương tiện kỹ thuật để thực hiện hành vi gian lận. Bên cạnh việc tập huấn thì lựa chọn cán bộ coi thi có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm là hết sức quan trọng…

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tuyên Quang cho rằng, để hoạt động thanh tra hiệu quả, yếu tố quan trọng là lựa chọn người tham gia. Ngoài bảo đảm điều kiện tiêu chuẩn theo quy định, phải có tinh thần, trách nhiệm, nắm chắc quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra; thực thi nhiệm vụ đúng quy chế thi và quy định của pháp luật về công tác thanh tra. Cùng với đó, tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra cho các thành viên trong đoàn hiệu quả, nghiêm túc, để từng thành viên nắm chắc quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra và các quy định của pháp luật về công tác thanh tra.

Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, Bộ GD-ĐT thành lập 4 đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Lãnh đạo Bộ làm việc với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Sở GD-ĐT, Hội đồng thi. Thành viên đoàn là các thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo cấp quốc gia. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện đúng Quy chế thi và các văn bản liên quan đến việc tổ chức kỳ thi, chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và Sở GD-ĐT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Việc chỉ đạo, tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm nguyên tắc độc lập của hoạt động thanh tra, kiểm tra, không bỏ sót, khoảng trống, không bị động. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thi khoa học, phù hợp, không chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Đọc thêm