Đây là những điểm đáng chú ý trong kế hoạch thực hiện chương trình năm học 2019-2020 và phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 ngày 5/5.
2 ngày thi 3 bài bắt buộc và 1 bài tự chọn
Theo đó, Bộ GDĐT phân cấp cho các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.
Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi (1 buổi thi bài thi Ngữ văn, 1 buổi thi Toán, 1 buổi thi Ngoại ngữ và 1 buổi thi bài thi tổ hợp).
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GDĐT công bố. Đề thi dùng chung cho cả học sinh giáo dục THPT và học viên GDTX.
Trong đó, bài thi tổ hợp KHTN gồm 3 môn thành phần Vật lí, Hóa học và Sinh học. Còn bài thi tổ hợp KHXH gồm 3 môn thành phần Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân (đối với thí sinh là học sinh Giáo dục THPT); gồm 2 môn thành phần Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên).
Mỗi bài thi tổ hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần để hỗ trợ khai thác sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác.
Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH).
Thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên (GDTX) phải thi 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH); thí sinh GDTX có thể dự thi thêm bài Ngoại ngữ.
Với thí sinh tự do tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Thời gian làm bài thi cụ thể như sau: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; bài thi KHTN và KHXH 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần.
Giảm áp lực, tốn kém cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội
Theo Bộ trưởng Nhạ, phương án trên kế thừa, phát huy kết quả, kinh nghiệm tốt của các Kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, nhất là năm 2019; ít bị phụ thuộc vào diễn biến của bệnh dịch Covid-19. Các địa phương chủ động hơn trong kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cán bộ làm công tác thi;
Để khắc phục những hạn chế này, theo ông Nhạ, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp, chủ động chuẩn bị kỹ để sẵn sàng chỉ đạo và phối hợp với các địa phương tổ chức an toàn, nghiêm túc Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo phương án đã nêu.
“Rút ngắn thời gian thi trong 2 ngày với 4 buổi thi, làm cho kỳ thi gọn, nhẹ hơn các năm trước; đề thi sẽ được xây dựng phù hợp với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và nội dung chương trình tinh giản đã công bố (cả về nội dung, độ khó, thời gian làm bài thi) cũng sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh“, Bộ trưởng nhận định.
Cùng với đó, giảm áp lực, tốn kém đối với học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội trong bối cảnh các địa phương bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học ở trường dài ngày.
Mặt khác, việc tổ chức thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT cũng đảm bảo được yêu cầu khách quan, tin cậy (hạn chế tình trạng đánh giá thiếu khách quan, công bằng trong học bạ để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ)…
Tuy nhiên, phương án này có một số hạn chế như các địa phương phải chủ động tổ chức Kỳ thi trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều nên có thể phát sinh sai sót, làm ảnh hưởng đến an toàn của Kỳ thi.
Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ có thể bị xáo trộn do nhiều trường ĐH, CĐ chưa có đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho phương án này.
Việc tuyển sinh đầu vào của nhiều trường ĐH, CĐ, nhiều ngành đào tạo có thể cũng bị ảnh hưởng với các nguyện vọng ảo; thí sinh các tỉnh có thể phải tập trung về các thành phố lớn để dự thi các môn thi riêng của một số ĐH, trường ĐH...
Tuy phân cấp cho các địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng Bộ GDĐT vẫn xây dựng và cung cấp đề thi để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Còn về tuyển sinh ĐH, các cơ sở giáo dục ĐH triển khai theo tinh thần tự chủ với các phương thức tuyển sinh khác nhau như sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học THPT (học bạ), phỏng vấn, kiểm tra,… hoặc bổ sung các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.
Các trường top đầu, có mức độ cạnh tranh cao thì có thể tổ chức kỳ thi riêng theo quy định của Bộ GDĐT (ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực) để tuyển sinh. Kỳ thi này do các trường tự tổ chức độc lập hoặc liên kết thành nhóm tuyển sinh.