Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Hướng tới nhà đầu tư tổ chức

(PLVN) - Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) Hoàng Văn Thu cho biết, UBCKNN đang nghiên cứu đối tượng phát hành trái phiếu riêng lẻ hướng tới nhà đầu tư (NĐT) tổ chức để tăng cường tính chuyên nghiệp, đánh giá rủi ro.
Phó Chủ tịch UBCKNN Hoàng Văn Thu phát biểu tại Hội thảo ( Ảnh: Thanh Thanh)
Phó Chủ tịch UBCKNN Hoàng Văn Thu phát biểu tại Hội thảo ( Ảnh: Thanh Thanh)

Quy mô thị trường chưa tới 10% GDP

Phát biểu tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" do Tạp chí NĐT/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức ngày 16/08, ông Phạm Đức Sơn, Tổng biên tập Tạp chí NĐT/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn cho biết, từ giữa năm 2022, thị trường TPDN có nhiều biến động, hàng loạt các vụ án lớn bị phát hiện, xử lý khiến cho niềm tin của NĐT suy giảm mạnh, thị trường TPDN lao dốc, một thời gian gần như đóng băng

Tuy nhiên, sau giai đoạn khó khăn, thị trường TPDN từ đầu năm đến nay đã từng bước phục hồi. Theo Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm, đã có 41 doanh nghiệp (DN) phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy thị trường TPDN đang ấm dần.

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, quy mô dư nợ TPDN tại Việt Nam giảm dần từ năm 2021 đến nay (từ khoảng 15% GDP xuống còn 9,6% GDP cuối năm 2023). Tỷ trọng này thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan (26,65% GDP), Trung Quốc (37,65% GDP), Singapore (27,78% GDP), Malaysia (53,58% GDP) hay Hàn Quốc (95,86% GDP)... Quy mô hiện tại của thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế. Điều này tạo ra áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng vốn, đặc biệt là vốn trung dài hạn, ảnh hưởng tới khả năng phát triển kinh tế - xã hội.

Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 đặt mục tiêu dư nợ thị trường TPDN đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, theo ước tính của một số đơn vị, bình quân trong vòng 8 năm tới, mỗi năm Việt Nam phải có khoảng 370 nghìn tỷ đồng TPDN phát hành mới. “Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển của thị trường…”- ông Sơn nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra một loạt rủi ro, thách thức cho thị trường TPDN thời gian tới. Đó là TPDN đáo hạn và quá hạn thanh toán trong quý IV/2024 và 2025 còn cao (Trong đó, trái phiếu nhóm DN bất động sản có rủi ro quá hạn và tiềm ẩn nợ xấu cao hơn hẳn trung bình thị trường);

Hội thảo do Tạp chí NĐT/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức ngày 16/08

Hội thảo do Tạp chí NĐT/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức ngày 16/08

Cùng với đó, thị trường vẫn chủ yếu dựa vào TPDN phát hành riêng lẻ. Lũy kế nửa đầu năm 2024, chỉ có 10.377 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng, chiếm 9,09% tổng giá trị phát hành, còn lại là trái phiếu riêng lẻ. Sự bất cân xứng này tiếp tục tạo rủi ro thanh khoản cho thị trường.

Ngoài ra, cơ cấu NĐT TPDN chưa phát triển. Ngân hàng thương mại hiện vẫn là bên mua chính trong các đợt phát hành TPDN, trong khi các NĐT tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán…còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Nguồn cầu phụ thuộc khá lớn vào hệ thống ngân hàng thương mại làm cho thị trường trái phiếu chưa phát huy được hết vai trò cung ứng vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế.

Việc áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP với những quy định chặt chẽ hơn thể hiện nỗ lực làm sạch thị trường của cơ quan quản lý, tuy nhiên cũng dẫn tới lo ngại tạo thành rào cản đối với phát hành TPDN riêng lẻ, trong khi hành lang pháp lý đối với phát hành trái phiếu ra công chúng chưa được rút gọn, khơi thông, sẽ tiếp tục dẫn tới tắc nghẽn kênh TPDN.

Hướng tới chuyên nghiệp, bền vững…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBCKNN Hoàng Văn Thu cho rằng, để đạt được mục tiêu dư nợ thị trường TPDN như Quyết định 1726/QĐ-TTg đề ra không dễ dàng. Bởi bài toán đặt ra là: Làm sao quản lý chặt chẽ theo hướng bền vững song vẫn tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế huy động vốn?

“Chúng ta cần nâng tính chuyên nghiệp của mỗi chủ thể lên. UBCKNN đang nghiên cứu và thiết kế để phát triển thị trường trái phiếu phát triển chuyên nghiệp, bền vững…”- Phó Chủ tịch UBCKNN cho hay.

Bên cạnh giải pháp tăng cường xếp hạng tín nhiệm trong các nghiệp vụ phát hành; tăng cường sự hiện diện của đơn vị tư vấn trong quá trình lập hồ sơ, đánh giá hồ sơ, lãnh đạo UBCKNN đặc biệt nhấn mạnh định hướng mà UBCKNN đang nghiên cứu, đó là đối tượng phát hành trái phiếu riêng lẻ hướng tới NĐT tổ chức chuyên nghiệp để tăng cường tính chuyên nghiệp, đánh giá được rủi ro.

UBCKNN sắp tới có hướng đến NĐT nhỏ lẻ đầu tư chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) thông qua các quỹ, NĐT tổ chức chuyên nghiệp.

UBCKNN sắp tới có hướng đến NĐT nhỏ lẻ đầu tư chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) thông qua các quỹ, NĐT tổ chức chuyên nghiệp.

Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Nguyễn Anh Minh, Phó trưởng Ban Quản lý đăng ký trái phiếu, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) cho rằng, trong thị trường trái phiếu, vai trò của NĐT cá nhân chuyên nghiệp rất quan trọng. Song, trên thực tế NĐT mang tiếng chuyên nghiệp nhưng việc xác định không chặt chẽ, chỉ cần bản xác nhận của Công ty chứng khoán đã là NĐT chuyên nghiệp (!?).

Mặt khác, khi DN phát hành riêng lẻ cho cá nhân đa phần chỉ quan tâm chào bán được càng nhiều càng tốt còn không quan tâm NĐT có đủ kiến thức, nhận định về DN không. “Thường là NĐT mua theo tư vấn của môi giới hay người thân. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khi đơn vị phát hành không đảm bảo khả năng trả nợ, NĐT cá nhân bị thiệt hại…”- ông Minh phân tích.

Đồng thời cho rằng, để thị trường trái phiếu phát triển bền vững cần nâng cao kiến thức NĐT cá nhân hoặc NĐT cá nhân có thể ủy quyền cho đơn vị đại lý tìm hiểu kỹ về trái phiếu, chịu trách nhiệm về sản phẩm họ chào cho NĐT mua. VSD thực hiện đăng ký trái phiếu của tổ chức phát hành cần xác định danh sách NĐT chuyên nghiệp từ thời điểm nào đến thời điểm nào…

“Việc đưa ra các tiêu chuẩn NĐT chứng khoán chuyên nghiệp theo luật đã đủ rồi, quan trọng là đơn vị thực hiện xét xem có đủ chuyên nghiệp hay không, trách nhiệm thuộc về công ty chứng khoán, tổ chức phát hành…” đại diện VSD quả quyết.

Phó Chủ tịch UBCKNN Hoàng Văn Thu khẳng định, điều kiện NĐT chuyên nghiệp được quy định trong Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 65/2022/NĐ-CO cũng theo tiêu chuẩn đó.

“Thông qua các vụ việc xảy ra trên thị trường, chúng ta đều mong muốn nâng cao chất lượng NĐT, trong đó hướng đến việc họ có kiến thức đánh giá rủi ro, hiểu biết về hoạt động của các DN. Do đó, việc điều chỉnh tiêu chuẩn của NĐT chuyên nghiệp trong Luật Chứng khoán 2019 là rất cấp bách. Mặt khác, có thể cần xác định tiêu chuẩn NĐT tham gia TTCK không chỉ dựa trên giá trị giao dịch, thâm niên giao dịch, mà cần đề cập đến khả năng hiểu biết của họ về hoạt động DN…” đại diện UBCKNN bày tỏ quan điểm.

Đồng thời cho biết, UBCKNN sắp tới có hướng đến NĐT nhỏ lẻ đầu tư chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) thông qua các quỹ, NĐT tổ chức chuyên nghiệp.

”UBCKNN sẽ tăng cường hoạt động các quỹ, hoặc có thể cho mở thêm các quỹ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới đây và có hiệu lực từ 1/1/2025…”- Ông Thu cho hay.

Theo UBCKNN, cơ cấu tài khoản đăng ký thông tin giao dịch TPDN riêng lẻ có sự phân hóa cao. Số lượng tài khoản NĐT cá nhân chiếm 99,73% tổng số tài khoản đăng ký; NĐT tổ chức chỉ chiếm 0,27% tổng số tài khoản đăng ký. Tuy nhiên, điểm tích cực là tỷ trọng mua lớn nhất vẫn thuộc về khối NĐT là các tổ chức tín dụng, chiếm 56,55%. Nhóm cơ cấu thay đổi lớn nhất là công ty chứng khoán, tỷ lệ tăng từ 0,85% trong 7 tháng đầu năm 2023 lên 19,75% trong 7 tháng đầu năm 2024.

Đọc thêm