Thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) tích cực đưa Chỉ thị số 40 đi vào thực tế cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW trên địa bàn thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế), tín dụng chính sách (TDCS) xã hội đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế tại địa phương.
Từ nguồn vốn vay tại NHCSXH thị xã Hương Trà, nhiều hộ dân đã đầu tư sản xuất, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ nguồn vốn vay tại NHCSXH thị xã Hương Trà, nhiều hộ dân đã đầu tư sản xuất, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Triển khai sâu rộng đến cấp cơ sở

Trên cơ sở chỉ đạo của Thị ủy, các ban ngành đoàn thể, địa phương đã triển khai, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và các văn bản chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCS xã hội đến đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân.

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã coi việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Hương Trà đã bám sát chủ trương của Thị ủy, HĐND, UBND thị xã; chỉ đạo của Ban đại diện, lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ hoạt động TDCS có sự giám sát vào cuộc của chính quyền từ cấp thôn bản và các tổ chức chính trị - xã hội.

Một phiên giao dịch định kỳ tại Điểm giao dịch phường.

Một phiên giao dịch định kỳ tại Điểm giao dịch phường.

Ban đại diện HĐQT NHCSXH thị xã hàng quý đưa vào nội dung báo cáo, nghị quyết để đánh giá công tác triển khai cũng như chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị số 40. Chính từ việc quyết liệt triển khai trong cả hệ thống chính trị về vai trò quan trọng của TDCS xã hội nên thị xã Hương Trà đã gặt hái được nhiều thành công. Tạo điều kiện cho hàng chục lượt hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn chính sách để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thời gian qua, TDCS xã hội trên địa bàn thị xã Hương Trà đã tạo nên bước chuyển biến tích cực, góp phần thiết thực đến các chương trình, kế hoạch giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội. Đến cuối năm 2023, tổng hộ nghèo còn là 277 hộ với 564 khẩu, chiếm tỷ lệ 1,5% và hộ cận nghèo là 370 hộ với 1.173 khẩu, chiếm tỷ lệ 2%.

Hàng chục ngàn lượt hộ được tiếp cận tín dụng chính sách

Hoạt động TDCS xã hội trong 10 năm đã góp phần giúp 41.304 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị xã Hương Trà được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; giúp 2.319 hộ vượt qua ngưỡng nghèo nhờ vay vốn; hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, mở rộng, giải quyết và tạo việc làm cho 3.859 lao động.

Bên cạnh đó, giúp 744 lượt học sinh viên viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa và nâng cấp 14.070 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới 277 nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách...góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Thị uỷ, HĐND, UBND thị xã Hương Trà đã đề ra.

Cùng cán bộ PGD NHCSXH thị xã Hương Trà đến thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông Bồ của gia đình ông Nguyễn Văn Hậu (TDP Thanh Lương 2, phường Hương Xuân), tại đây ông Hậu cho biết, năm 2018, thông qua hội Nông dân phường, gia đình ông được vay 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay đó, ông đã đầu tư nuôi cá lồng. Sau nhiều năm nuôi cá kết hợp trồng trọt, gia đình ông đã trả được số nợ vay và trang trải cuộc sống.

Thấy mô hình nuôi cá lồng có hiệu quả cao, đầu năm 2024, ông tiếp tục vay vốn NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để mở rộng quy mô nuôi cá. Nắm bắt được cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn cá tăng trưởng và phát triển tốt; sau khi trừ tất cả chi phí và lãi suất, mỗi năm cho gia đình ông Hậu thu nhập khoảng từ 60 đến 80 triệu đồng tiền bán cá.

Nguồn vốn TDCS đã trở thành "điểm tựa" cho nhiều hộ gia đình ở phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà có thêm điều kiện phát triển sinh kế, tăng thu nhập.

Nguồn vốn TDCS đã trở thành "điểm tựa" cho nhiều hộ gia đình ở phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà có thêm điều kiện phát triển sinh kế, tăng thu nhập.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Dục ở TDP Trung Thôn, phường Hương Xuân được tiếp cận vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn TDCS xã hội; với số tiền này, gia đình ông có thêm kinh phí đầu tư trồng gần 5 sào ổi. Đến nay, vườn ổi đã đâm hoa kết trái hứa hẹn cho thu nhập khá thời gian tới. Nguồn vốn TDCS đã trở thành “điểm tựa” cho gia đình ông Dục nói riêng và các hộ gia đình khác trên địa bàn phường nói chung có thêm điều kiện phát triển sinh kế tăng thu nhập.

Ông Trần Lưu Đức - Chủ tịch UBND phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà) cho biết, nguồn vốn TDCS đã và đang phát huy rất hiệu quả tại địa phương, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương; đồng thời góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã.

Đặc biệt, sau khi Chỉ thị số 40 được ban hành, Đảng ủy, UBND phường đã rà soát tất cả các nguồn vốn trên địa bàn, đặc biệt vào năm 2017, trên địa bàn phường Hương Xuân có nguồn vốn vay Chính phủ, sau khi cho các đối tượng vay thì phường cũng đã thu hồi và chuyển số tiền 149 triệu đồng sang NHCSXH để bổ sung thêm nguồn vốn nhằm giải quyết nhu cầu vay của các hộ dân. Mặc dù số tiền không lớn nhưng đã góp phần thêm nguồn vốn để cho vay.

Theo ông Lê Xuân Trung - Giám đốc PGD NHCSXH thị xã Hương Trà thông tin, đến 30/4/2024, tổng dư nợ TDCS trên địa bàn thị xã đạt 419 tỷ đồng (tăng 208,9 tỷ đồng so với năm 2014). Bình quân mỗi năm tăng gần 10%, với gần 7.500 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn và nợ khoanh là 158 triệu đồng, chiếm 0,04% tổng dư nợ, giảm 404 triệu đồng so với năm 2014.

Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách thị xã chuyển sang NHCSXH thị xã để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 5,6 tỷ đồng. Mặc dù nguồn thu ngân sách của thị xã còn gặp nhiều khó khăn nhưng hằng năm, HĐND, UBND thị xã đã quan tâm chuyển bình quân từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng sang NHCSXH thị xã để bổ sung vào nguồn vốn cho vay. Đặc biệt các phường Hương Văn, Hương Vân và Hương Xuân cũng đã chuyển nguồn vốn nhận ủy thác từ các tổ chức phi chính phủ gần 250 triệu đồng sang NHCSXH thị xã để tiến hành cho vay hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn.

Trong những năm qua, nguồn vốn trên địa bàn thị xã không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đọc thêm