Thiên tai làm sạt lở hơn 170km bờ sông, bờ biển

(PLO) - Trong năm 2017, thiệt hại do mưa lũ ước tỉnh khoảng 60.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay đã có 3 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới xuất hiện, nhiều giông, lốc, gây thiệt hại 2.500 tỷ đồng. Số liệu được đưa ra tại Hội nghị “Phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2018” được  Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức ở Cần Thơ, sáng 26/7. 
Sạt lở tại Vàm Nao, tỉnh An Giang làm hơn chục căn nhà trôi sông

Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại hơn 900 tỷ do thiên tai

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ năm 2010 đến nay khu vực Nam bộ xảy ra 562 điểm sạt lở với chiều dài 786km; 49 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 266km. Riêng trong năm 2017, đã làm 28 người chết và mất tích, 46 người bị thương; 937 nhà bị sập, tốc mái; hơn 172,4km bờ sông, bờ biển sạt lở, hơn 12,4km đê bao, bờ bao bị sạt lở trôi, hư hỏng; trong nông nghiệp hơn 68 ngàn ha lúa, hơn 4.780ha hoa màu và 606 ha thủy sản bị thiệt hại… Tổng thiệt hại kinh tế khoảng 901 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hiệp – Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, các địa phương cần tập trung rà soát phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; lập phương án kiểm soát tàu thuyền hoạt động trên biển, vùng cửa sông ven biển, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đầu tư nâng cấp, bổ sung khu neo đậu tàu thuyền... Lập phương án sơ tán dân, nhất là khu vực cửa sông, ven biển; hướng dẫn người dân xây dựng nhà chống bão, chằng chống nhà cửa.

Riêng công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, thời gian tới cập nhật bản đồ cảnh báo sạt lở; phổ biến thông báo rộng rãi đến chính quyền các cấp và người dân; tổ chức lực lượng xung kích thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm để di dời dân đảm bảo an toàn; xử lý nghiêm nhà xây dựng trái phép ven sông, kênh, rạch; từng bước di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Song song đó, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát; xử lý cấp bách các điểm sạt lở nguy hiểm… 

Cấp bách khắc phục các điểm sạt lở 

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, trong những năm gần đây, thiên tai diễn biến rất khốc liệt, dị thường cả về cường độ lẫn tần suất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là hạn hán tại ĐBSCL cuối năm 2015 và đầu năm 2016. 

Ông Sơn lưu ý, từ đầu năm đến các đợt mưa đặc biệt lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nhưng cũng là vùng đất nhạy cảm, dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn lưu vực, đặc biệt liên quan đến việc khai thác tài nguyên nước của sông Mê Công…

Nói về việc Chính phủ hỗ trợ 1500 tỷ đồng cho các địa phương ở ĐBSCL triển khai khắc phục hậu quả sạt lở, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho rằng, việc cấp bách cần làm hiện nay là triển khai việc lập các dự án đưa ra kế hoạch khắc phục những điểm sạt lở; đồng thời các địa phương cần biện pháp mang tính căn cơ, dài hơi hơn là việc quy hoạch bố trí lại dân cư ven sông để vấn đề sạt lở ít ảnh hưởng đến người dân. Đối với bờ biển có khu vực sử dụng giải pháp mềm, gây bồi tạo bãi, có những khu vực cũng cần sử dụng giải pháp cứng...

Ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó khi lũ với tinh thần không chủ quan; đảm bảo an toàn cho các đê bao trên địa bàn. Theo ông Ngoan, trong những năm gần đây hiện tượng sạt lở diễn ra nhiều ở sông Tiền, sông Hậu và các kênh nội đồng ảnh hướng lớn đến cơ sở hạ tầng đường giao thông của tỉnh, sạt lở gây thiệt hại trên 500 tỷ đồng. Đồng Tháp đã đề xuất với Chính phủ xin hỗ trợ bố trí 12 cụm, tuyến dân cư để hỗ trợ nơi ở cho người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, chi phí hơn 660 tỷ đồng.

 ĐBSCL có đón lũ trong năm 2018

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối tháng 7, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh. Đến cuối tháng 7, mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc sẽ lên mức từ 2,5-2,8m. Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn ĐBSCL tại Tân Châu và Châu Đốc ở mức báo động 2 và trên báo động 2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Các trạm chính vùng hạ nguồn lên mức báo động 3 và trên mức báo động 3 từ 0,1 - 0,2 m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10; tuy đỉnh lũ ở mức trung bình nhiều năm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến khu vực.

Đọc thêm