Do ảnh hưởng của rãnh thấp đi qua khu vực Bắc Bộ kết hợp hội tụ gió trên cao, từ đêm 8/6 và ngày 9/6 toàn tỉnh có mưa to đến rất to và dông. Đây cũng là đợt mưa lớn diện rộng được đánh giá là lớn nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Cụ thể, tại TP Hạ Long đã bị sạt lở 7 điểm trên các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên phường và khu dân cư; ngập lụt 11 điểm trên các tuyến đường; khoảng 24ha lúa bị ngập, 17 ha dưa hấu bị đổ trên địa bàn xã Thống Nhất; tràn 5 ao cá tại xã Quảng La; đổ 1 cột điện dân sinh tại thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm gây mất điện cục bộ.
Tại TP Uông Bí, có 1.064 hộ dân và 32 ô tô bị ngập, sập đổ 135m tường rào, ngập úng trên 58ha hoa màu và 134ha ao đầm thủy sản, bị trôi 500 con gia súc, gia cầm; sạt lở 7 tuyến đường tỉnh lộ, đường liên phường và khu dân cư.
|
Các lực lượng chức năng đang tập trung khắc phục mưa lũ sau khi nước rút. |
Tại huyện Ba Chẽ, đã di dời 1 hộ dân xã Nam Sơn và 55 hộ dân tại khu 4, khu 5 (thị trấn Ba Chẽ) bị ảnh hưởng sạt lở, ngập lụt 1 nhà dân khu vực cầu Bàng Quang mới và trôi 1 lán của đơn vị thi công công trình cầu Bàng Quang (xã Đồn Đạc), sạt lở ta luy dương 13 điểm trên các tuyến đường huyện, đường liên xã, thôn.
Trên địa bàn huyện Đầm Hà, bị ngập 81 ha lúa (xã Tân Lập 30 ha, Đại Bình 36 ha, Đầm Hà 15 ha). Tại huyện Tiên Yên, có khoảng 300ha lúa và 1 ao nuôi ốc bị ngập lụt, 3 hộ dân bị sạt đất vào công trình phụ, 1 hộ dân bị đổ 15m tường bao, 4 hộ dân ở khu phố Hòa Bình bị ngập từ 1-3m.
Tại huyện Bình Liêu, đã di chuyển 2 hộ dân bị sạt lở ở khu Bình Công II (thị trấn Bình Liêu) đến nơi an toàn, sạt lở 5 điểm trên các tuyến đường liên xã, liên thôn. Trên địa bàn TP Móng Cái, bị sạt lở một số vị trí trên đường quốc lộ 18C, sạt lở 30m kênh, ngập úng cục bộ 12 điểm, 45 hộ dân, 3ha hoa màu, 3 ô tô. Tại huyện Vân Đồn đã di chuyển 2 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở đất về nơi an toàn.
|
Các lực lượng chức năng đang tập trung khắc phục mưa lũ sau khi nước rút. |
Mưa lớn kéo dài trong những ngày vừa qua đã gây sạt lở mái ta-luy tại một số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Đường tỉnh 329 nối thành phố Cẩm Phả với huyện Ba Chẽ sạt lở gây ách tắc giao thông. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, sau cơn mưa kéo dài từ ngày 9 - 10/6, trên địa bàn tỉnh có 13 điểm sạt lở ta-luy dương lớn, giao thông hạn chế. Tổng khối lượng đất đá sạt lở trên 5.000m3.
Trong đó, Quốc lộ 18C có 2 điểm (đoạn sạt lở thuộc Km97+500 tỉnh lộ 341, cùng với đất đổ xuống lòng đường, hệ thống cột điện trên ta-luy có nguy cơ cao gãy đổ, mất an toàn); đường tỉnh 329 có 3 điểm; đường tỉnh 330 có 2 điểm; đường giao thông nối Uông Bí - Hoành Bồ có 2 điểm…; một điểm sạt lở ta-luy âm trên tuyến đường tỉnh 330. Hàng chục m3 đất từ ta-luy đổ xuống đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) đoạn qua thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn (Móng Cái).
Các vị trí sạt lở làm đất đá trôi tràn mặt đường, đơn vị quản lý đã tiến hành hót dọn đảm bảo thông xe, bố trí rào chắn, biển báo, căng dây đảm bảo giao thông. Điểm sạt lở lớn tại dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn qua huyện Ba Chẽ. Đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang triển khai xuất hiện một số điểm sạt lở lớn trên Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 342 qua địa bàn huyện Ba Chẽ.
Các địa phương đều đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức khắc phục ngay khi mưa ngớt, để chủ động ứng phó tình huống thời gian tới sẽ xuất hiện các đợt mưa có cường độ tương tự, Ban chỉ huy PCTT-TKCN & PTDS tỉnh đề nghị UBND các địa phương một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Rà soát lại ngay các vị trí ngập lụt, đặc biệt là khu vực đô thị, tổ chức duy tu, nạo vét lại hệ thống thoát nước (qua kiểm tra nhiều tuyến cống thoát nước đô thị phát huy hiệu quả thấp do bị tắc bởi rác thải sinh hoạt); kiên quyết di dời ngay những công trình tạm ra khỏi các vị trí có nguy cơ, đặc biệt là bãi sông, chân mái dốc; rà soát lại các lán trại các công trình xây dựng trên địa bàn; đồng thời tiếp tục tuyên truyền về nguy cơ của tình huống thiên tai mưa lớn để chủ động phòng tránh, tránh để tình huống xảy ra rồi mới triển khai cứu hộ.